Luôn túc trực trong bệnh viện Villa el Salvador tại thủ đô Lima (Peru), Sandra Contreras cho biết cô đã cạn kiệt chi phí chữa trị COVID-19 cho người mẹ đang nằm viện.
Sandra không phải là người duy nhất tại Mỹ Latinh đang lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu trong đại dịch COVID-19.
“Tôi đã cầm tất cả mọi thứ. Tôi đã phải nói với các em rằng chúng tôi sẽ phải bán nhà”, người phụ nữ 34 tuổi không kìm nổi nước mắt khi chia sẻ về tình cảnh ngặt nghèo của mình cho phóng viên Reuters.
Theo một báo cáo thường niên của Liên hợp quốc ngày 4/3, số hộ cực nghèo đã ở mức cao chưa từng thấy trong suốt 20 năm qua. Với làn sóng dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ khiến số ca mắc mỗi ngày một tăng, ngày càng nhiều người không còn đủ tiền để chữa trị COVID-19.
Tại Paraguay, thực trạng trên đã dấy lên làn sóng vay ngắn hạn khi các thành viên trong gia đình tìm cách trang trải chi phí chăm sóc y tế.
Mirta González, một thợ làm móng 34 tuổi sống tại thị trấn nhỏ ở miền Nam Paraguay, đã phải “vay nóng” khi chồng cô là anh Jesús mắc COVID-19 và được chuyển lên bệnh viện thủ đô Asuncion. Cô đã tiêu 985 USD cho thuốc men và chi phí điều trị. Gia đình và bạn bè đã tổ chức bán xổ số và pizza để gây quỹ cho Jesús chữa bệnh.
“Tại đây, nếu bạn không có mối quan hệ hoặc tiền, bạn sẽ chết”, González trả lời phóng viên Reuters khi đang chờ loa bệnh viện gọi lấy thuốc cho chồng.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy tại quốc gia có 7 triệu dân này, chỉ có 1/5 dân có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế nhờ có công việc, trong khi chỉ 7% có thể chi trả cho các khoản chăm sóc y tế tư nhân. Mặc dù ai cũng có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí của nhà nước song con số này cũng chỉ có hạn.
Tại thành phố Manaus (Brazil) – nơi phát hiện ra biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao gấp 2 lần so với nguyên bản, hệ thống chăm sóc y tế đổ sụp vì số ca mắc COVID-19 tăng chóng mặt từ tháng 1. Cô Cintia Melo buộc phải chăm sóc người mẹ già 87 tuổi tại nhà, thuê y tá chăm sóc và máy trợ thở cũng như mua bình oxy dự trữ.
“Hoàn toàn không có giường bệnh”, Cintia tiết lộ chi phí điều trị cho mẹ lên tới 3.553 USD/tháng. Thậm chí ngay cả khi mẹ cô đang hồi phục, bà vẫn cần người chăm sóc trong một vài tuần tới.
Verónica Serafini – một nhà nghiên cứu kinh tế tại Paraguay – nhận định chi phí cho dịch vụ y tế là nguyên tố chính khiến người dân rơi vào cảnh nợ nần.
“Thay vì đầu tư mua nhà, kinh doanh hay giáo dục, chúng tôi nợ vì chi phí cho sức khỏe. Và không có khả năng lợi nhuận nếu như mọi người mất tài sản vì ốm đau”, bà Serafini chỉ ra.
Làn sóng nợ xảy ra trong bối cảnh hàng triệu gia đình Mỹ Latinh còn chưa vượt qua nỗi đau khi người thân mất vì COVID-19. Khu vực đã ghi nhận trên 687.000 trường hợp tử vong do COVID-19, chỉ đứng sau châu Âu về số ca tử vong.
Renata Granados (24 tuổi) sinh sống tại Querétaro (Mexico) buộc phải bán chiếc xe bán tải của gia đình sau khi chị gái Paloma mắc COVID-19 và qua đời sau 21 ngày nằm viện. Hóa đơn nằm viện lên tới 7 triệu peso (khoảng 330.000 USD).
"Tôi cảm thấy đây như một đòn giáng mạnh mà không ai được chuẩn bị từ trước”, Renata bày tỏ.
Theo một báo cáo của Ủy ban Kinh tế LHQ về Mỹ Latinh và Caribe công bố tuần trước, ngoài việc gia tăng nghèo đói, đại dịch còn khiến căng thẳng xã hội ngày càng leo thang. Tuy nhiên, mọi chuyện còn tồi tệ hơn nếu các chính phủ Mỹ Latinh không triển khai các biện pháp cứu trợ khẩn cấp cho khoảng 84 triệu gia đình, một nửa dân số của khu vực.
Alicia Bárcena - Thư ký điều hành của ủy ban - cho biết mọi người đang sống trong tình trạng bấp bênh ngày càng cao do đại dịch và "cần phải tái xây dựng sự bình đẳng và bền vững, nhằm tạo ra một chế độ phúc lợi thực sự”.