Ngày 5/9, ông Kacaribu cho biết theo tính toán của BKF, tỷ lệ lạm phát có thể tăng do tác động của việc điều chỉnh giá nhiên liệu vừa qua và dao động từ 6,6% đến 6,8% trong năm nay, vượt mục tiêu của chính phủ là từ 4%-4,8%. Trong khi đó, Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS) cho hay lạm phát tính đến tháng 8/2022 ở mức 4,69%, giảm so với mức 4,94% trong tháng 7. Ông Kacaribu cho rằng chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực kiềm chế lạm phát đến cuối năm nay để duy trì ở mức dưới 7% thông qua chính sách phân phối có kiểm soát và bình ổn giá thực phẩm.
Trước đó vào ngày 3/9, Chính phủ Indonesia đã quyết định tăng giá xăng nhãn hiệu Pertalite (A90) từ 7.650 rupiah lên 10.000 nghìn rupiah/lít, giá dầu diesel nhãn hiệu Solar từ 5.150 rupiah lên 6.800 rupiah/lít, và giá xăng Pertamax (A92) từ 12.500 rupiah lên 14.500 rupiah/lít. Động thái tăng giá được đưa ra sau khi chính phủ kết chuyển ngân sách trợ cấp nhiên liệu còn lại của năm 2022 sang trợ cấp xã hội trong bối cảnh ngân sách trợ cấp và bù lỗ năng lượng đã tăng gấp 3 lần lên mức 502.400 tỷ rupiah (khoảng 34 tỷ USD).
Tổng thống Joko Widodo nhấn mạnh rằng tăng giá nhiên liệu là “lựa chọn cuối cùng” của chính phủ, đồng thời tuyên bố rằng ngân sách nhà nước cần được ưu tiên để trợ cấp cho những người yếu thế.