Ngân hàng Trung ương Venezuela đã không cập nhật số liệu về Tổng sản phẩm quốc nội kể từ quý III/2019, khi GDP giảm 26,8% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong bài phát biểu thường niên trước Quốc hội, ông Maduro cho rằng sau 5 năm bị bao vây và phong tỏa, kinh tế Venezuela đang lấy lại đà tăng trưởng kinh tế.
Năm ngoái, sản lượng dầu của Venezuela đã tăng gấp đôi nhờ các công ty dịch vụ dầu mỏ nhỏ và nguồn cung từ Iran. Song, các chuyên gia cho biết điều này không có nghĩa rằng tập đoàn dầu khí nhà nước PDVSA có thể tiếp tục tăng sản lượng.
Trong những năm gần đây, các lĩnh vực thương mại và dịch vụ của Venezuela cũng đã có nhiều dư địa để phát triển hơn sau khi chính phủ quyết định nới lỏng các biện pháp kiểm soát kinh tế vào năm 2019 và cho phép sử dụng ngoại tệ nhiều hơn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý các biện pháp trên không đảm bảo đà phục hồi trên diện rộng của tất cả các lĩnh vực,
Năm ngoái, chính phủ đã giảm chi tiêu bằng đồng bolivar để tăng cường ổn định tiền tệ và kiểm soát lạm phát. Mặc dù vậy, giá cả vẫn ở mức cao và tiếp tục ảnh hưởng đến túi tiền của các gia đình Venezuela.
Mới đây, Ngân hàng trung ương Venezuela (BCV) thông báo nước này đã thoát khỏi chu kỳ siêu lạm phát bắt đầu từ năm 2017 sau khi trải qua 12 tháng liên tiếp với mức lạm phát dưới 50%.
Theo số liệu của BCV, Venezuela ghi nhận mức lạm phát 7,6% vào tháng 12/2021. Đây là tháng thứ tư liên tiếp lạm phát của quốc gia Nam Mỹ này dưới 10%. Lạm phát của Venezuela lần lượt 7,1%, 6,8%, và 8,4% trong các tháng 9, tháng 10 và tháng 11/2021.
Tuy tỷ lệ lạm phát vẫn ở mức cao, nhưng đối với Venezuela, đây là dấu hiệu đáng mừng, bởi quốc gia này đã chìm trong siêu lạm phát từ tháng 11/2017 và để vượt qua tình trạng này, Venezuela cần 12 tháng liên tiếp có chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 50%.