Theo Giáo sư Hoo, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, kinh tế toàn cầu nói chung và các nền kinh tế APEC nói riêng đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Đại dịch đã phá hủy ngành du lịch, lĩnh vực dịch vụ và hậu cần, cũng như ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại, đầu tư và dịch vụ.
Chuyên gia phân tích này khuyến nghị, trong bối cảnh hiện tại, với những thiệt hại rõ ràng, giải pháp mang tính mấu chốt đó là các nền kinh tế APEC phải chia sẻ, trước mắt và quan trọng nhất là chia sẻ vaccine phòng chống dịch bệnh COVID-19. Đây cũng là lợi thế của APEC nhằm thúc đẩy phục hồi kinh tế khu vực do. Việc phục hồi du lịch, dịch vụ, sản xuất và khôi phục dòng chảy thương mại sẽ giúp nền kinh tế khu vực phục hồi và tăng trưởng.
Hiện Trung Quốc chuẩn bị chia sẻ vaccine của mình, gần nhất là thỏa thuận hợp tác nghiên cứu, chia sẻ vaccine chống COVID-19 với Malaysia vừa được hai nước ký kết. Mỹ cũng chuẩn bị chia sẻ biệt dược này. Ông cho rằng APEC nên tận dụng vai trò của mình trong việc đảm bảo sự chia sẻ vaccine tới các nền kinh tế thành viên.
Theo Giáo sư Hoo, khi vấn đề vaccine được giải quyết, tăng trưởng kinh tế khu vực sẽ được phục hồi. Du lịch là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng khu vực cùng với dòng chảy thương mại thông suốt, chi phí giá thành hợp lý sẽ giúp thúc đẩy sự phồn vinh của các nước vành đai Thái Bình Dương.
Giáo sư Hoo Ke Ping nhấn mạnh APEC cần duy trì nền tảng là đối thoại hòa bình để thúc đẩy hợp tác và đặc biệt, đây là nền tảng quan trọng để ngăn chặn các cuộc chiến tranh, từ thương mại tới quân sự trong khu vực. Theo chuyên gia này, APEC cần phải chia sẻ và hỗ trợ nhau vượt qua dịch bệnh và tạo điều kiện để duy trì môi trường hòa bình trong khu vực.