Khủng hoảng tị nạn khởi đầu làn sóng di dân

Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk cảnh báo, khủng hoảng sẽ còn leo thang khi mà chiến sự ở Syria, Iraq vẫn tiếp diễn. Ông đồng thời kêu gọi các quốc gia thành viên EU phải có quan điểm “thực tế”.


Người di cư tìm cách vượt qua hàng rào cảnh sát ở tuyến biên giới với Serbia để vào Hungary. Ảnh: Reuters


Phát biểu tại Viện Bruegel ở Brussels ngày 7/9, Chủ tịch Tusk nhìn nhận, dòng người di cư tới châu Âu xuất phát chủ yếu từ Trung Đông “sẽ còn là vấn đề của nhiều năm tới. Làn sóng hiện tại không phải là sự kiện một lần rồi xong, mà nó là sự khởi đầu cho làn sóng di dân thực sự”.

Theo người đứng đầu EC, sẽ là ảo tưởng nếu tin rằng có viên thuốc màu nhiệm giúp đảo ngược tình thế hiện nay. Ông hối thúc các nước thành viên EU theo đuổi quan điểm mang tính thực tế, dẹp những bất đồng sâu sắc sang một bên khi xử lý cuộc khủng hoảng. "Hai cách tiếp cận về (giá trị) thống nhất và phong tỏa không cần thiết phải triệt tiêu nhau. Sẽ rất khó tha thứ nếu như châu Âu đi theo chiều hướng phong tỏa mà điển hình hóa của nó là hàng rào dây thép gai Hungary dựng lên; tương tự vậy là ủng hộ mở cửa tuyệt đối như một số chính trị gia nào đó phát biểu, cứ đơn giản như mở cửa chính, cửa sổ của một căn nhà”, ông Tusk bày tỏ.

Phát biểu của Chủ tịch EC được đưa ra trong bối cảnh lãnh đạo các nước trong Liên minh đang chạy đua với thời gian để xử lý hiệu quả dòng người tị nạn đang đổ sang châu Âu thông qua các tuyến đường qua khu vực Balkan và Địa Trung Hải với mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy. Điểm nóng nổi lên hiện nay là Hungary, nơi hàng nghìn người tị nạn mắc kẹt tại đây trên đường tìm đến các nước Tây Âu giàu có hơn, nhất là Đức. Tối ngày 7/9, hàng trăm người tị nạn tức giận phá vỡ tường rào cảnh sát ở tuyến biên giới giáp Serbia và tiến về thủ đô Budapest, sau quãng thời gian chờ đợi mòn mỏi, trong điều kiện vật chất thiếu thốn mà vẫn chưa được phép vượt biên giới vào Hungary.

Một điểm trung chuyển khác là đảo Lesbos (Hy Lạp) cũng nóng không kém, với tình cảnh được nhà chức trách mô tả là “bên bờ vỡ trận”. Lực lượng tuần duyên, cảnh sát chống bạo động đã phải làm việc hết sức để giữ ổn định, khi hàng trăm người trong tổng số 25.000 người tị nạn trên đảo đua nhau lên một chuyến tàu do chính phủ thuê để tới thủ đô Athens.

Người tị nạn Syria cầu nguyện sau khi đến được bờ biển đảo Lesbos, Hy Lạp, kết thúc hành trình từ Thổ Nhĩ Kỳ ngang qua biển Êgiê. Ảnh: AFP


Châu Âu bắt đầu chuyển động

Nhiều nước trong EU tuyên bố sẵn sàng tiếp nhận số người tị nạn đến từ Trung Đông. Thủ tướng Anh David Cameron cho biết nước này có khả năng đón 20.000 người Syria hiện đang kẹt tại các trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan, Syria trong vòng 5 năm tới. Tổng thống Pháp Francois Holland nói rằng Pháp sẽ tiếp nhận 24.000 người tị nạn trong 2 năm.

Động thái trên xuất hiện tại thời điểm Đức – nước được cho là người tiên phong trong EU về mở rộng cánh cửa cho người di cư, thể hiện thái độ khá cứng rắn, cương quyết. Berlin đã ngầm cảnh báo một số nước Đông Âu sẽ phải chịu những hệ quả nghiêm trọng nếu như không chịu san sẻ gánh nặng tiếp nhận dòng người di cư. Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 7/9, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Thủ tướng Sigmar Gabriel nhấn mạnh, phần còn lại của châu Âu, nhất là Đông Âu, cần nỗ lực hơn nữa trong xử lý khủng hoảng hiện nay. “Đông Âu là vùng đất thu được lợi ích kinh tế lớn nhất từ biên giới mở. Duy trì biên giới mở là lợi ích của Đức, nhưng ai cũng phải nhận thấy rằng nếu gánh nặng chỉ dồn lên vai 3 nước (Đức, Áo, Thụy Điển) thì các cuộc thảo luận sẽ rẽ sang một hướng khác”, ông Gabriel nói.

Ngày mai (10/9), Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Junker dự kiến sẽ công bố bản kế hoạch mới của EU về việc phân bổ hạn ngạch 120.000 người di cư đang sống trong các khu trại tị nạn ở Hy Lạp, Italy và Hungary – cũng là 3 điểm cửa ngõ đối với người di cư tìm kiếm quy chế tự nạn ở châu Âu. Thông tin rò rỉ cho biết, theo hạn ngạch, Đức sẽ tiếp nhận khoảng 31.443 người, kế đó là Pháp (24.013 người), Tây Ban Nha (14.931 người), Ba Lan (9.287 người). Nước tiếp nhận ít nhất là Malta (133 người), kế đến là Cyprus (274 người) và Estonia (373 người).

Hoài Thanh (Theo Euobserver, DW)
Mỹ cân nhắc "gánh đỡ" người di cư cho châu Âu
Mỹ cân nhắc "gánh đỡ" người di cư cho châu Âu

Chính quyền Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc một loạt biện pháp để giúp đối phó với cuộc khủng hoảng người di cư ở cấp độ toàn cầu hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN