Không phải Libya, đây mới là quốc gia Triều Tiên muốn hướng đến mô hình hạt nhân

Một quốc gia nghèo, sống trong mối lo sợ bị uy hiếp bởi nước lớn láng giềng, đã hy sinh rất nhiều để có được vũ khí hạt nhân như một thứ "bùa hộ mệnh", và đến nay vẫn sở hữu vũ khí này.

“Mô hình Libya” mà Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đề xuất cho chương trình hạt nhân Triều Tiên đã xém nữa thì dẫn đến huỷ bỏ hội nghị thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều. Bình Nhưỡng chắc chắn đã rút được bài học sâu sắc từ mô hình này, và theo giới phân tích, Pakistan mới là quốc gia có mô hình hạt nhân mà Bình Nhưỡng muốn nhắm tới.

Công nhân vệ sinh tên lửa của Pakistan trước cuộc diễu binh hồi tháng 3/2018. Ảnh: Reuters

Triều Tiên đã nổi giận trước đề xuất của ông John Bolton áp dụng “mô hình Libya” cho chương trình hạt nhân của nước này. Lý do là vì, từ năm 2003 đến 2004, chính quyền của nhà lãnh đạo Muammar Qaddafi đã chuyển giao toàn bộ chương trình hạt nhân của mình cho Mỹ.  Tuy nhiên, không đầy một thập kỷ sau khi Libya từ bỏ vũ khí hạt nhân, năm 2011, Mỹ và các đồng minh đã hậu thuẫn cho lực lượng nổi dậy địa phương lật đổ chính quyền Qaddafi, giết hại nhà lãnh đạo này.

Với Bình Nhưỡng, Libya không phải là lời cảnh báo duy nhất về viễn cảnh giải giáp vũ khí. Năm 2003, Iraq tuyên bố từ bỏ theo đuổi vũ khí huỷ diệt hàng loạt, thậm chí cho phép các thanh sát viên quốc tế trở lại quốc gia này để xác minh, nhưng vẫn không tránh khỏi cuộc xâm lược của Mỹ dẫn đến lật đổ chế độ của Tổng thống Saddam Hussein. Năm 2015, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy nới lỏng các lệnh cấm vận quốc tế, nhưng năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút khỏi thoả thuận này.

Vậy liệu có bất cứ mô hình nào của các quốc gia sở hữu chương trình hạt nhân có thể khiến Triều Tiên chấp nhận?

Theo tờ The Atlantic, câu trả lời là Có. Nhưng đây lại là quốc gia hiện nay vẫn giữ mối liên hệ với vũ khí hạt nhân ngăn chặn: đó là Pakistan. Giữa hai kịch bản Libya và Pakistan, thì Bình Nhưỡng không khó để lựa chọn.

Pakistan bắt đầu nghiêm túc theo đuổi vũ khí hạt nhân từ thập niên 1970, với động cơ là một thứ vũ khí ngăn chặn trước đối thủ mạnh hơn, nước láng giềng Ấn Độ. Chính trị gia danh tiếng Zulfika Al Bhutto, sau này trở thành Thủ tướng Pakistan tuyên bố: “Nếu Ấn Độ chế tạo được bom, chúng ta sẽ ăn cỏ hoặc lá – thậm chí đói – nhưng chúng ta cũng sẽ có bom của riêng mình”. Năm 1988, vào một ngày trời quang đãng, Pakistan đã tiến hành một loạt vụ thử hạt nhân. Giám đốc chương trình hạt nhân Pakistan đã ấn nút, khiến cả ngọn núi ở Changai rung chuyển trong vụ nổ khủng khiếp.

Năm 2016, tờ Tin nhanh Các nhà khoa học hạt nhân ước tính Pakistan sở hữu 130-140 đầu đạn và dự đoán nước này có thể tăng gần gấp đôi kho vũ khí hạt nhân vào năm 2025.

Islamabad có thể phóng vũ khí hạt nhân bằng tên lửa đạn đạo tầm trung, tên lửa hành trình, chiến đấu cơ F-16 và các hệ thống vũ khí chiến thuật.

Video Pakistan thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, có khả năng gắn đầu đạn hạt nhân vào năm 2017:




Lý do "mô hình Pakistan" khả thi

Triều Tiên được cho là đã rất chú ý tới kinh nghiệm của Islamabad bởi hai nước có chung nhiều điểm tương đồng quan trọng: Cả hai đối mặt với sự thù địch không dứt từ đối thủ mạnh hơn nhiều và nằm ngay sát; Hai nước đều không tham gia bất cứ thoả thuận quốc tế nào về vũ khí hạt nhân. Năm 2003, Triều Tiên rút khỏi Hiệp ước cấm phổ biến hạt nhân, còn Pakistan thì chưa bao giờ ký hiệp ước này.

Trong nhiều thập kỷ, Triều Tiên và Pakistan là những đồng minh không chính thức, cùng ủng hộ Iran trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq và được cho là có quan hệ mua bán vũ khí truyền thống.

Một lý do nữa mà Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ cân nhắc "mô hình Pakistan" đó là hai quốc gia này đã hợp tác về phát triển hạt nhân. Năm 2006, Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ cho biết, Bình Nhưỡng đã trao công nghệ tên lửa cho Pakistan, còn Islamabad thì chuyển giao công nghệ hạt nhân cho Triều Tiên. Pakistan còn bị nghi ngờ đã hỗ trợ tiến hành một vụ thử hạt nhân cho Triều Tiên.

Tờ Atlantic cho rằng, nhìn từ quan điểm của Triều TIên thì "mô hình Pakistan" có vẻ thuyết phục. Trước hết, vũ khí hạt nhân của Pakistan đã ngăn chặn thành công Ấn Độ. Thập niên 1960 và 1970 là thời kỳ Pakistan chịu những thất bại quân sự ê chề, trong đó có cuộc chiến tranh năm 1971 với Ấn Độ, mà kết cục là Bangladesh tách ra độc lập khỏi Pakistan trở thành một quốc gia mới.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thăm các nhà khoa học trong chương trình vũ khí hạt nhân trong ảnh do KCNA công bố ngày 3/9/2017.

Vũ khí hạt nhân đã giúp Pakistan đẩy lùi nguy cơ bị Ấn Độ tấn công. Năm 1987, Tổng thống Zia-ul-Haq nói với người đồng cấp Ấn Độ: “Nếu quân đội của ngài bước qua biên giới của chúng tôi dù chỉ một inch, chúng tôi sẽ huỷ diệt các thành phố của ngài”. Năm 1999, quân đội Pakistan tiến vào khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, gây ra cuộc khủng hoảng Kargill và tình trạng thù địch quân sự. Hiện nay, Ấn Độ tránh leo thang, kiềm chế chiến tranh vì phải “kiêng dè” kho vũ khí hạt nhân Pakistan.

Thêm vào đó, năng lực hạt nhân của Pakistan cũng khiến phương Tây phải đối xử với nước này bằng thái độ mềm mỏng. Mỹ thì rót hàng chục triệu USD để giúp Pakistan bảo vệ kho vũ khí hạt nhân, bên cạnh việc viện trợ hàng tỉ USD quân sự và kinh tế cho Islamabad.

Pakistan còn giành được sự “vì nể” với tư cách quốc gia Hồi giáo duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nhưng cũng giống như Triều Tiên, việc rót tiền của cho chương trình hạt nhân cũng khiến Pakistan phải hy sinh lớn. Họ phải bớt ngân sách chi cho y tế, giáo dục để dành cho quân sự. Cuộc thử hạt nhân năm 1998 bị cả thế giới lên án.

Video Triều Tiên thử tên lửa vào tháng 5/2017 - Nguồn: Truyền hình QG Triều Tiên:



Mặc dù vậy với Triều Tiên, sự ủng hộ có thể vẫn dành cho “mô hình Pakistan”: một quốc gia nghèo, dám “ăn cỏ” để chế tạo vũ khí hạt nhân ngăn chặn; theo đuổi trở thành một quốc gia hạt nhân được công nhận; ủng hộ phi hạt nhân hoá về nguyên tắc nhưng chỉ như một phần trong nỗ lực giải giáp vũ khí lớn hơn của quốc tế - điều không bao giờ xảy ra; ngăn chặn thành công cường quốc láng giềng đối địch và giành được uy tín trong nước cũng như vị thế quốc tế.

Hai cựu lãnh đạo Saddam Hussein và Muammar Qaddafi đều đã đưa ra lựa chọn cho chương trình hạt nhân của mình và cả hai đều chịu kết cục bi thảm. Triều Tiên muốn đi theo một con đường khác. Vì thế, giới quan sát cho rằng, trở thành một "Pakistan của Đông Á" có thể là một lựa chọn đáng được Bình Nhưỡng cân nhắc.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Bốn quân nhân Nga bị phiến quân Syria bắn chết
Bốn quân nhân Nga bị phiến quân Syria bắn chết

Bốn nhân viên quân sự Nga đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh ác liệt với quân khủng bố tại tỉnh Deir Ezzor của Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN