Không khí nô nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền ở Campuchia

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, người dân Campuchia chuẩn bị bước vào kỳ nghỉ Tết cổ truyền năm 2023 trong 3 ngày, từ 14-16/4, trong không khí an lành, phấn khởi. Ngoài các nghi lễ truyền thống diễn ra trong khuôn viên các ngôi chùa, đây còn là dịp để người lao động nhập cư nói riêng và cư dân Phnom Penh nói chung về quê đón Tết, vui chơi, sum vầy cùng gia đình, họ hàng.

Chú thích ảnh
Danh thắng Angkor Wat sẽ diễn ra nhiều hoạt động trong thời gian tết cổ truyền. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo quy định và thông lệ ở Vương quốc Campuchia, trong dịp Tết cổ truyền sắp tới, giới công chức, viên chức… được nghỉ Tết 3 ngày, trong khi lực lượng công nhân và lao động ở khu vực tư nhân được nghỉ Tết khoảng 1 tuần. Trong những ngày qua, phố phường ở thủ đô Phnom Penh trở nên vắng vẻ hơn khi người dân về quê đón Tết cổ truyền dân tộc.

Thông tấn xã Campuchia (AKP) đăng bài phản ánh hoạt động chuẩn bị đón Tết cổ truyền của chính quyền và người dân nước này trong không khí nhộn nhịp, an lành và thanh bình, cuộc sống trở lại hoàn toàn bình thường sau hơn một năm tái khởi động các hoạt động kinh tế xã hội, từ tháng 11/2021.

Theo bài viết, cùng với hoạt động chuẩn bị đón mừng năm mới, lãnh đạo quốc gia, các bộ, ban ngành, cơ quan nhà nước, khu vực tư nhân và người dân ở khắp các làng, xã, quận, huyện, thành phố, thủ đô và các địa phương cấp tỉnh đã trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị tổ chức các hoạt động đón năm mới dưới tên gọi lễ hội Sangkran (Giao thừa) trong không khí náo nhiệt của các trò chơi dân gian.

Theo AKP, lễ hội Sangkran chính được tổ chức ở danh thắng Angkor Wat thuộc tỉnh Siem Reap nhưng các ngôi chùa, trường học, rạp lễ ở khắp các làng xã trên đất nước Chùa tháp đều được trang hoàng, chuẩn bị cho sự kiện giao thừa trong dịp Tết cổ truyền sắp tới. Tại Phnom Penh, lễ hội Sangkran đón mừng năm mới được tổ chức tại thắng cảnh Phnom Daun Penh (Wat Phnom, Núi Bà Penh) với những ngọn đèn rực rỡ sắc màu chiếu sáng lên những tiểu cảnh được chính quyền thủ đô trang hoàng, cùng cờ và những ngọn đèn lồng bày trí dọc các tuyến đường đổ về thắng cảnh nổi tiếng Núi Bà Penh. Sở Văn hóa và Nghệ thuật thủ đô Phnom Penh còn bố trí sân khấu trình diễn nghệ thuật và khu vực tổ chức các trò chơi dân gian để tạo không khí sôi động cho du khách gần xa đến vui chơi trong dịp lễ hội giao thừa năm mới. Bên cạnh đó, chính quyền Thủ đô Phnom Penh đã thông báo mời toàn thể người dân Campuchia gần xa, thuộc mọi thành phần độ tuổi đến chung vui cùng sự kiện “Giao thừa Wat Phnom” với nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động vui chơi giải trí dự kiến diễn ra trong các ngày từ 14-16/4/2023.

Cùng với thủ đô Phnom Penh, các địa phương khác ở Vương quốc Campuchia cũng tổ chức lễ hội Sangkran riêng. Tỉnh Siem Reap, xứ sở của kỳ quan Angkor, đang khẩn trương tiến hành công tác tổ chức sự kiện Angkor Sangkran năm thứ 10 với quy mô hoành tráng hơn những năm trước với chủ đề “Ước mơ và hy vọng”. Nhiều chương trình vui chơi giải trí như khu trưng bày các vật thể khổng lồ, công viên “Nụ cười Angkor”, khu vực dành cho các trò chơi dân gian, làng di sản ở khu vực phía trước đền Angkor Wat, khu vực trưng bày các loại hình di sản vật thể và phi vật thể… sẽ diễn ra trong khuôn khổ sự kiện này để công chúng tìm hiểu về nền văn hóa huy hoàng, rực rỡ của Campuchia thời kỳ Vương quốc Angkor.

Theo AKP, sự kiện Angkor Sangkran năm 2023 có đến 44 nội dung chương trình hoạt động được bố trí tại 6 khu vực ở phía trước quần thể đền Angkor Wat, quảng trường đấu voi, quảng trường Angkor Kyung Yu, công viên hoàng gia, đoạn sông giữa trung tâm thành phố Siem Reap và một số khu vực khác. Bên cạnh đó, còn có chương trình trưng bày giới thiệu sản phẩm đặc sản của Campuchia diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14-16/4. Đặc biệt, lễ khai mạc sự kiện Angkor Sangkran sắp tới ở thành phố du lịch Siem Reap sẽ được tiến hành dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen.

Trong khi đó, tỉnh Banteay Meanchey ở Tây Bắc Campuchia cũng tổ chức sự kiện “Tết Banteay Chhmar” từ ngày 13-16/4 với chủ đề “Tết Banteay Chhmar - Gia đình đoàn viên - Bóng mát hòa bình” với các nghi lễ truyền thống dân tộc như thả đèn nước, đắp núi cát, tắm tượng phật… Bên cạnh đó, còn có khu vực dành cho các trò chơi dân gian, trình diễn môn võ cổ truyền Mãnh sư quyền (Kun Bokator), vũ kịch mặt nạ, hòa nhịp trống tay, hội thi nét đẹp người cao tuổi, cùng các chương trình hội chợ triển lãm trưng bày sản vật địa phương, ca múa nhạc hiện đại với sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ nổi tiếng ở đất nước Chùa tháp.

Trong phần cuối bài phản ánh, AKP dẫn lời ông Mam Bunneang, Chủ tịch Ủy ban thứ 10 kiêm phát ngôn viên Thượng viện Vương quốc Campuchia cho biết người dân nước này có dịp vui đón Tết cổ truyền nhờ đất nước có hòa bình, phát triển và đã kiểm soát thành công dịch COVID-19.

Huỳnh Thảo (TTXVN)
Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chúc Tết cổ truyền Campuchia, Myanmar và Thái Lan
Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Australia chúc Tết cổ truyền Campuchia, Myanmar và Thái Lan

Nhân dịp Tết cổ truyền của các nước Campuchia, Myanmar và Thái Lan, ngày 13/4, Đại sứ Nguyễn Tất Thành đã dẫn đầu đoàn cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Australia đến thăm và chúc Tết Đại sứ quán các nước bạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN