Khoảnh khắc cầu bê tông 4 làn sập xuống sông Hằng, lần thứ hai chỉ trong 1 năm

Cây cầu bê tông khổng lồ, 4 làn xe đã đổ sập xuống sông Hằng đoạn chảy qua bang Bihar, miền đông Ấn Độ. Đây là lần thứ hai cầu bị sập chỉ trong vòng hơn một năm.

Chú thích ảnh
Hình ảnh cây cầu sập xuống cắt từ video.

Theo CNN, một cây cầu bê tông bốn làn đang được xây dựng bắc qua sông Hằng đã bị sập lần thứ hai chỉ trong hơn một năm. Sự việc một lần nữa đặt ra câu hỏi về chất lượng công trình.

Đoạn video cho thấy cây cầu dài 3 km đột ngột đổ sập xuống sông hôm 4/6, tung một đám mây bụi và mảnh vụn lên trời, phá vỡ mặt nước đang yên ả của con sông linh thiêng với người Ấn Độ.

Cầu Sultanganj đã bị sập hai lần kể từ khi bắt đầu xây dựng vào năm 2017, lần đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái. Không rõ tại sao cây cầu bị sập vào năm ngoái hoặc những vấn đề đó đã được khắc phục chưa.

Có thể nhìn thấy đám đông người dân trên bờ sông quay video cảnh tượng cầu sập và la hét khi nó đổ xuống. Kênh CNN không thể xác nhận các báo cáo về bất kỳ thương tích nào.

Xem video khoảnh khắc cầu Sultanganj đổ sập xuống sông Hằng:

Hôm 5/6, thủ hiến bang Bihar Nitish Kumar cho biết ông đã ra lệnh điều tra vụ việc.

Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, công ty thiết kế và kỹ thuật Canada chịu trách nhiệm thiết kế cầu McElhanney cho biết đã nắm được thông tin về vụ cầu sập đồng thời bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về sự an toàn và sức khỏe của những người bị ảnh hưởng trong vụ việc. McElhanney khẳng định sẽ “hợp tác với bất kỳ cuộc điều tra nào".

Phóng viên CNN đã liên hệ với SP Singla Constructions, công ty đang xây dựng cây cầu trên nhưng không nhận được phản hồi ngay lập tức.

Theo McElhanney, cây cầu dự kiến ​ bao gồm bốn làn xe lưu thông và một lối dành cho người đi bộ, cung cấp “một liên kết mới quan trọng qua sông Hằng”.

Nó cũng được kỳ vọng sẽ giảm bớt tắc nghẽn trên ba cây cầu đường bộ hiện có của bang - công ty cho biết trên trang web của mình.

Cầu Sultanganj vốn được khởi công xây dựng vào năm 2014 và dự kiến ​​hoàn thành vào năm 2019. Với chi phí 17 tỷ rupee (208 triệu USD), công trình đã được mở rộng nhiều lần nhưng cuối cùng lại bất ngờ bị sập vào tháng 4 năm ngoái.

Khi đó, các trụ số 4, 5 và 6 đã bị sập và nguyên nhân được đưa ra là do giá đỡ cáp bị lỏng. Các quan chức tuyên bố rằng gió mạnh trong cơn giông bão đã làm đổ giá đỡ cho dây cáp căng đang giữ các tấm bê tông lại với nhau trong giai đoạn xây dựng.

Chú thích ảnh

Chính quyền bang sau đó ra lệnh điều tra và yêu cầu Viện Công nghệ Ấn Độ tại Roorkee (IIT-Roorkee) tiến hành nghiên cứu và xác định nguyên nhân chính xác. Báo cáo cuối cùng của nghiên cứu này vẫn đang được chờ đợi thì xảy ra sự cố mới nhất, khiến các trụ số 9. 10 và 11 của cây cầu, mỗi trụ cao hơn 30 mét bị sập và đổ xuống sông.

Sau vụ sập cầu hôm 4/6, nhiều người đã chỉ ra chất lượng kém của vật liệu được sử dụng trong xây dựng là có thể là nguyên nhân gây ra sự cố.

Năm ngoái, Bộ trưởng giao thông liên bang Nitin Gadkari đã bác bỏ tuyên bố nguyên nhân do gió mạnh và đổ lỗi hoàn toàn cho chất lượng vật liệu xây dựng dưới mức trung bình. Chất lượng kém của vật liệu xây dựng cho phép các nhà thầu xây dựng tối đa hóa lợi nhuận của họ.

Tuy nhiên, quan chức phụ trách giao thông bang Bihar, Tejaswi Yadav lại cho rằng vụ sập là do thiết kế bị lỗi và xây dựng không đúng cách. 

Trước khi vụ sập thứ hai xảy ra, chính phủ vẫn đang đợi báo cáo cuối cùng, sau đó sẽ có kế hoạch hành động xử lý các quan chức và công ty tham gia xây dựng cầu.

Cầu Sultanganj không phải là cây cầu duy nhất bị sập ở Ấn Độ trong năm ngoái. Tháng 10/2022, một cây cầu treo bị sập tại thị trấn Morbi ở Gujarat, khiến 135 người thiệt mạng.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hàng ngàn người leo lên núi lửa đang bốc khói để cầu may
Hàng ngàn người leo lên núi lửa đang bốc khói để cầu may

Hằng năm, hàng ngàn tín đồ thuộc bộ tộc Tennger ở Indonesia đều đem theo đồ cúng tế leo lên ngọn núi lửa Bromo để cầu may mắn. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN