Những người bị bắt hầu hết là những kẻ cướp phá các nhà hàng cửa hiệu ở khu Manhattan, quảng trường Union và đại lộ số 5, những nơi đã bị phong tỏa nhiều tháng qua vì dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Sau 5 ngày biểu tình rầm rộ, tổng cộng 1.200 người đã bị bắt giữ ở thành phố New York, trong khi 40 cảnh sát bị thương.
Bạo loạn đã buộc Thị trưởng New York Bill de Blasio tiếp tục ban bố lệnh giới nghiêm ngày 2/6, sớm hơn lệnh tương tự trước đó một ngày, từ 20h00 ngày 2/6 đến 5h00 sáng 3/6. Lệnh giới nghiêm ngày 1/6 đã hết hiệu lực vào 5h00 sáng 2/6. Hai lệnh giới nghiêm trên không áp dụng với các lao động đặc biệt, người vô gia cư và các bệnh nhân phải đi điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn những người biểu tình khi giờ giới nghiêm bắt đầu, và Thị trưởng Blasio đã lên mạng xã hội Twitter thuyết phục họ hãy trở về nhà.
Trên tài khoản Twitter của mình, ông Blasio viết: "Một số người ra ngoài đêm nay không phải để biểu tình mà để phá hoại tài sản và tấn công người khác... Hành động của họ là không thể chấp nhận được và chúng ta sẽ không cho phép họ ở trong thành phố của chúng ta".
Cảnh sát thành phố đã được triển khai tăng gấp đôi, lên 8.000 cảnh sát, trong đó một lượng lớn được triển khai tại Hạ Manhattan, và thị trấn Brooklyn, để đảm bảo an ninh.
Cái chết của một người đàn ông gốc Phi George Floyd sau khi bị cảnh sát bắt giữ tại bang Minnesota đã làm dấy lên làn sóng biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc trên toàn nước Mỹ trong những ngày qua. Tại St Louis, 4 cảnh sát đã trúng đạn trong các cuộc biểu tình bạo lực và đã được nhập viện. Hiện hàng chục thành phố của Mỹ đã áp đặt lệnh giới nghiêm ở mức độ chưa từng thấy kể từ sau các cuộc bạo động bùng phát sau vụ ám sát nhà hoạt động Martin Luther King Jr. năm 1968.
Làn sóng biểu tình ủng hộ phong trào chống phân biệt chủng tộc tại Mỹ cũng đã lan rộng ra các nước khác. Từ ngày 31/5, một số cuộc biểu tình đã diễn ra tại Canada, Anh, Đức và New Zeland bất chấp các biện pháp giãn cách xã hội thời kỳ dịch bệnh.