Khi người khiếm thị học đấu kiếm

Khoa học đã chứng minh rằng, các môn thể thao sử dụng kiếm có một giá trị rất to lớn trong việc giúp những người khiếm thị xác định phương hướng tốt hơn, đồng thời giúp họ sử dụng gậy dò đường hiệu quả và nâng cao lòng tự tin. Với mục đích đó, Tiburcio Cachon - một trung tâm phục hồi chức năng - đã trở thành nơi đầu tiên dạy môn đấu kiếm cho người khiếm thị ở Urugoay nói riêng và ở Nam Mỹ nói chung.

Marisol Mariani, năm nay 39 tuổi, bị mù bẩm sinh nhưng điều đó dường như không gây cản trở gì trong quá trình cô học đấu kiếm. Những đường kiếm của cô vẫn quyết liệt, dứt khoát và tư thế chuẩn bị cho một đòn tấn công vẫn rất chuẩn. Mariani tâm sự: "Lúc đầu, tôi sợ mình bị thương hay có thể làm bị thương ai đó". Nhưng sau khi mạnh dạn tham gia tập đấu kiếm, Mariani nhận ra rằng đấu kiếm là "một môn thể thao rất an toàn". Vì thế, cô tự tin rằng sẽ không có điều gì tồi tệ xảy ra trong quá trình tập.

Cô Jeannette Suarez bị mất thị lực đã 2 năm. Cô bắt đầu tập đấu kiếm tại Tiburcio Cachon được vài tháng và tỏ ra rất thích chương trình này. Cô thừa nhận lúc đầu cô thấy việc người mù học đấu kiếm là rất kỳ quặc. Nhưng sau một thời gian luyện tập, cô đã thay đổi quan điểm. Cô nói: "Giáo viên dạy bạn cách hình dung người và mọi vật một cách dễ dàng hơn".

Trong các giờ tập kiếm, những người bị suy yếu thị lực sẽ đeo mặt nạ che hoàn toàn mắt để họ không nhìn thấy gì và do đó đảm bảo công bằng khi đấu kiếm với người bị mù.

Hướng dẫn viên đấu kiếm Franco De Caria (trái) chỉ dẫn cho học viên khiếm thị tại Trung tâm Tiburcio Cachon. Ảnh: AFP - TTXVN

Hướng dẫn viên tại Trung tâm Tiburcio Cachon là Maria Goldstein - người đã được tiếp cận với phương pháp này khi làm việc tại Trung tâm Carroll dành cho người mù ở Mỹ. Phát biểu với phóng viên AFP, Goldstein kể: "Lúc đầu tôi nghĩ họ thật điên rồ nhưng sau đó tôi bắt đầu hiểu lý do". Cô cho biết, thực hành kiếm thuật có ý nghĩa rất lớn đối với những người gặp vấn đề về thị giác vì đấu kiếm giúp họ có ý thức hơn về những vật xung quanh. Cô giải thích: "Khi một người tập đấu kiếm, họ chuyển động theo một đường thẳng nên họ ngã về phía trước hoặc sau chứ không ngã sang hai bên. Do đó, khi người này đi trên phố, họ cũng sẽ có phản ứng phù hợp khi gặp các chướng ngại vật".

Với mong muốn hỗ trợ những người khiếm thị ở Urugoay, khi đến đất nước này hồi tháng 2, Goldstein đã cố gắng thuyết phục các cơ quan y tế cho thực hiện một chương trình thí điểm tại Trung tâm Tiburcio Cachon. Cô đã phải rất vất vả để tìm giáo viên dạy đấu kiếm ở Urugoay vì môn đấu kiếm không phổ biến tại quốc gia này. Sau khi tìm kiếm trên mạng Internet, cô đã tìm ra France De Caria, một nhà đấu kiếm từng giành nhiều chức vô địch trong các cuộc thi kiếm thuật. De Caria đã tình nguyện tham gia chương trình thí điểm. Anh cho biết, những người khiếm thị rất thích môn này. Lúc đầu họ e dè nhưng sau đó tiến bộ rõ rệt. Theo anh, sự tự tin là điều quan trọng nhất mà một hướng dẫn viên có thể truyền dạy cho học viên khiếm thị. Môn thể thao này có thể mang đến lòng tự trọng, sự tự tin và cả sự an toàn cho họ. De Caria phân tích: "Một người khiếm thị thường hay ở nhà, khép mình trong bóng tối và không đi ra ngoài. Tuy nhiên, khi họ tập đấu kiếm, họ có một cuộc sống xã hội mà họ chưa từng trải nghiệm trước đây. Họ tự tin trong mọi tình huống xã hội".

Hiện nay, trung tâm có 6 học viên khiếm thị tham gia các giờ học kiếm thuật một lần mỗi tuần. Các giờ học này chỉ là một phần nhỏ trong các hoạt động của trung tâm dành cho người khuyết tật. Tuy nhiên, các hướng dẫn viên và học viên đều hi vọng rằng sau chương trình thí điểm, môn kiếm thuật dành cho người khiếm thị sẽ chính thức nằm trong thời khóa biểu của Trung tâm Tiburcio Cachon.

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN