Trước đó, lực lượng cứu hộ đã tiến hành khoan tại hệ thống thông gió hầm mỏ sau khi phát hiệu dấu hiệu sự sống từ những âm thanh gõ vọng dưới lòng đất.
Vụ nổ xảy ra ngày 10/1 làm 22 thợ mỏ mắc kẹt gần nơi họ đang làm việc. Hiện lực lượng cứu hộ đã liên lạc được với 11 thợ mỏ ở vị trí sâu 540m, một người khác mắc kẹt ở vị trí sâu hơn 100 m. Hiện chưa có tin tức của 10 người còn lại.
Sau nhiều ngày không có dấu hiệu sự sống, ngày 17/1 vừa qua, một mẩu giấy viết tay của các thợ mỏ bị mắc kẹt đã được gửi lên mặt đất qua dây kim loại do lực lượng cứu hộ thả xuống, trong đó cho biết có một số người bị thương và nơi họ đang mắc kẹt bị nước bao vây.
Hiện lực lượng cứu hộ đã khoan ít nhất 2 đường ống để đưa thuốc men, thực phẩm, giấy bút và điện thoại xuống chỗ các thợ mỏ.
Theo kế hoạch, các ống khoan sẽ được mở rộng đủ để đưa người lên. Tuy nhiên, quá trình này bị chậm lại vì phải khoan qua đá granit và có thể phức tạp hơn do tình trạng ngập nước trong mỏ. Trong khi đó, nhiệt độ ở khu vực này dự kiến tiếp tục hạ thấp dưới mức đóng băng trong tuần tới.
Mỏ vàng trên thuộc sở hữu của Công ty Đầu tư Wucailong Sơn Đông có liên quan đến công ty khai thác vàng Zhaojin lớn thứ 4 ở Trung Quốc. Đã có 2 quan chức bị cách chức do để xảy ra tai nạn này.
Các vụ tai nạn hầm mỏ thường xuyên xảy ra tại Trung Quốc do điều kiện và các quy định về an toàn lao động còn lỏng lẻo. Vụ tai nạn hầm mỏ gần đây nhất vào tháng 12/2020 tại thành phố Trùng Khánh, Tây Nam Trung Quốc, khiến 23 thợ mỏ bị mắc kẹt và tử vong.
Vài tháng trước đó, cũng ở thành phố này, một vụ tai nạn hầm mỏ khác đã làm 16 thợ mỏ tử vong do bị ngộ độc khí carbon monoxide sau khi bị mắc kẹt dưới lòng đất.