Theo truyền thông nước chủ nhà, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 45 của Nhóm G-7 diễn ra tại thành phố Biarritz (Tây Nam nước Pháp) từ ngày 24-26/8, với sự tham gia đầy đủ của các nhà lãnh đạo các nước thành viên và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Đây là lần thứ 7 Pháp đăng cai hội nghị.
Tổng thống chủ nhà Emmanuel Macron cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Canada Justin Trudeau sẽ tham dự hội nghị.
Trong khi đó, khách mời danh dự của Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Pháp có Thủ tướng Australia Scott Morrison, Tổng thống Chile Sebastian Pinera, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez.
Hội nghị thượng đỉnh năm nay diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt, khi thế giới đang phải trải qua những chuyển biến sâu sắc, khó lường, bản thân trong nội bộ các nước G7 cũng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, giữa các thành viên G7 với nhau chưa hết chia rẽ.
Chủ đề Brexit và tương lai của Liên minh châu Âu (EU) đang là mối bận tâm lớn khi tân Thủ tướng Anh Boris Johnson tỏ ra dứt khoát "chia tay" với EU dù có hay không có thỏa thuận, mà cũng không giấu tham vọng hướng tới một hiệp định thương mại riêng rộng hơn với Mỹ.
Chính trường Italy lâm vào khủng hoảng với sụp đổ của liên minh cầm quyền sau 14 tháng thành lập, khi mà "cuộc đối đầu" giữa Roma và Paris liên quan chủ đề tiếp nhận người di cư càng khoét sâu những bất động trong EU. Nhật Bản vướng vào tranh cãi thương mại với Hàn Quốc, làm lung lay liên minh giữa hai quốc gia Đông Bắc Á này với Mỹ.
Pháp và Mỹ đang có dấu hiệu bị cuốn vào "cuộc chiến thương mại" sau quyết định của Paris áp thuế 3% với hàng công nghệ kỹ thuật số, tác động tới các tập đoàn lớn của Mỹ, dẫn tới việc Washington cảnh báo sẽ có đòn đáp trả thuế nhằm vào khu vực xuất khẩu rượu vang của Pháp.
Bao trùm lên đó vẫn là bất đồng giữa chính quyền của Tổng thống Trump với các thành viên còn lại của G-7 trong hàng loạt vấn đề quan trọng, vốn là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng "rối loạn" của Hội nghị Thượng đỉnh G-7 năm ngoái ở Canada, khi Tổng thống Trump rời hội nghị sớm hơn so với dự kiến và không ký vào bản tuyên bố chung.
Những căng thẳng thương mại quốc tế không hề dịu đi trong thời gian qua, mà thậm chí còn leo thang và biến thành "chiến tranh", đặc biệt tranh cãi thương mại căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến châu Âu hứng chịu những hậu quả đầu tiên, đồng thời "bóng ma" suy thoái kinh tế toàn cầu đang hiện hữu. Đây cũng được cho là một trong những chủ đề "nóng" tại Biarritz.
Ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G-7 tại Pháp, nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng "sẽ phù hợp hơn nhiều" khi Nga là thành viên trong nhóm các cường quốc thế giới này. Theo ông, nhóm các nền kinh tế hàng đầu này "sẽ phải là G-8, bởi rất nhiều điều chúng ta thảo luận có liên quan đến Nga". Hiện chưa rõ các nhà lãnh đạo G-7 có thảo luận về vấn đề này hay không.
Với tư cách nước chủ nhà, Pháp đã tăng cường an ninh tại Biarritz và các khu vực liên quan. Cảnh sát Pháp đã lập hàng loạt điểm kiểm tra và tuần tra trên các bãi biển để đảm bảo an ninh cho vùng duyên hải phía Tây Nam quốc gia này trong thời gian diễn ra hội nghị.
Giới chức địa phương đã ra lệnh tạm ngừng mọi dịch vụ hàng không, đường sắt và đường bộ tới Biarritz để đảm bảo các tuyến đường sẵn sàng phục vụ các nhà lãnh đạo G-7 tới dự hội nghị. Những người biểu tình cũng bị cấm tập trung tại Biarritz để phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế, biến đổi khí hậu và các mối quan ngại khác.