Báo cáo của KITA cho biết Nhật Bản có thể sẽ siết chặt hạn chế đối với "các nguyên liệu chiến lược không nhạy cảm" mà Hàn Quốc phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Nhật Bản.
Trước đó, trong tháng này, Seoul đã mở lại vụ kiện Tokyo tại WTO về việc Nhật Bản siết chặt kiểm soát xuất khẩu các vật liệu bán dẫn. Dự kiến, tháng sau, WTO sẽ quyết định có thành lập một ban hội thẩm để xem xét kiến nghị của Hàn Quốc.
Ngày 29/6, Nhật Bản đã bác đề xuất của Hàn Quốc về việc thành lập hội đồng giải quyết tranh chấp tại WTO, lập luận rằng việc Tokyo kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc là phù hợp với các quy định của WTO do những quan ngại về khả năng chuyển mục đích sử dụng sang lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, động thái trên của Nhật Bản chưa phải là động thái quyết định trong cuộc tranh cãi, vì hội đồng giải quyết tranh chấp vẫn có thể được thành lập nếu Hàn Quốc tiếp tục đề nghị trong cuộc họp sắp tới của Cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) của WTO vào ngày 29/7.
Căng thẳng thương mại Nhật - Hàn leo thang từ tháng 7/2019, khi Nhật Bản công bố siết chặt kiểm soát xuất khẩu nhựa dẻo (fluorinated polyimide), chất cản màu (photoresist) và hydro clorua có độ tinh khiết cao sang Hàn Quốc. Đây là những nguyên liệu quan trọng đối với ngành sản xuất chip và màn hình, vốn là hai lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc. Tokyo đưa ra lý do kiểm soát xuất khẩu là quan ngại Seoul có thể chuyển sử dụng các nguyên liệu trên vào các mục đích quân sự.
Tuy nhiên, Hàn Quốc cho rằng lý do chính của Nhật Bản là nhằm trả đũa phán quyết của tòa án Hàn Quốc yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn phát xít Nhật Bản đô hộ Bán đảo Triều Tiên từ năm 1910-1945.