Kênh đào nổi tiếng thế giới 'khát' nước

Ngày 13/9, Cơ quan quản lý Kênh đào Panama (ACP) cho biết chính phủ nước này đang tìm kiếm nguồn cung cấp nước mới cho kênh đào trong bối cảnh tuyến đường thủy quan trọng hàng đầu thế giới này đang phải áp dụng lệnh giới hạn tàu thuyền qua lại do tình trạng hạn hán kéo dài khiến lượng nước lưu thông trong kênh đào thấp dưới mức cho phép.

Chú thích ảnh
Tàu thuyền di chuyển qua Kênh đào Panama tại Pedro Miguel. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Thông báo cùng ngày của ACP cho biết do mực nước lưu thông quá thấp, ACP trong thời gian qua đã phải giới hạn lượng tàu qua kênh đào từ 40 chiếc tàu/ngày xuống còn 32 tàu/ngày. Bên cạnh đó, do độ sâu của kênh đào giảm, hiện ACP chỉ cho tàu có độ mớn nước dưới 13,11 m được phép lưu thông.

Trong thông báo, Giám đốc ACP Ricuarte Vasquez cho biết việc áp dụng lệnh hạn chế lượng tàu qua lại trong những tháng gần đây đã khiến Panama thất thu hàng chục triệu USD. Nếu không có biện pháp khắc phục, quốc gia Trung Mỹ này có thể đối mặt với việc mất tới 200 triệu USD doanh thu từ kênh đào Panama trong năm 2024..

Theo ông Vasquez, kênh đào Panama đang trải qua cuộc khủng hoảng nguồn nước lớn nhất từ trước đến nay do biến đổi khí hậu. Trong 6 tháng qua, kênh đào này đã trải qua mùa khô kéo dài, gia tăng hiện tượng nước bốc hơi, trong khi có khả năng cao hiện tượng El Nino xảy ra trong năm nay. Panama thường đón mưa lớn vào tháng 7-8 và tình trạng thiếu mưa hiện tại được cho là “chưa từng có trong lịch sử”.

Giám đốc ACP cho biết hiện Chính phủ Panama đang nghiên cứu phương án xây dựng một đập nước trên sông Indio nằm ở phía Tây kênh đào. Nước từ con đập này sẽ bổ sung cho Gatun – hồ nhân tạo có diện tích khổng lồ không chỉ cung cấp nước cho kênh đào mà còn cho 50% dân số của quốc gia 4,2 triệu dân này.

Ngoài ra, Chính phủ Panama cũng đang xem xét phương án lấy nước từ Bayano – hồ nước nhân tạo lớn thứ 2 tại nước này sau hồ Gatun. Với diện tích 353 km2, Byano được đánh giá là hồ có mực nước luôn duy trì ở mức ổn định nhất tại quốc gia này.

Khánh thành từ năm 1914, kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo dài 82 km nối Đại Tây Dương với Thái Bình Dương. Kênh đào này có vai trò quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa tiêu dùng từ châu Á đến Mỹ, với lượng container lưu thông qua đây chiếm khoảng 40% tổng lượng container vận chuyển từ Đông Bắc Á đến bờ Đông của Mỹ.

Việc di chuyển qua kênh đào này cũng giúp tiết kiệm thời gian cho các hoạt động thông thương từ Mỹ đến châu Á hoặc bờ biển Nam Mỹ tiếp giáp Thái Bình Dương.

Theo các công ty hàng hải và giới chuyên gia, trong thời gian gần đây, các biện pháp hạn chế tại Kênh đào Panama – tuyến đường chiếm 6% khối lượng vận tải biển quốc tế, có thể làm gia tăng sức ép đối với giá cả hàng hóa do những đình trệ trong lưu thông làm tăng các khoản phụ phí vận tải. Hiện hơn 100 tàu container đang mắc kẹt ở Thái Bình Dương và biển Caribe để chờ đến lượt qua kênh đào.

Kể từ khi đưa vào hoạt động 1914, nguyên lý hoạt động của kênh đào Panama không có gì thay đổi. Hai hồ nhân tạo Gatun và Alajuela đóng vai trò điều tiết lưu lượng nước chảy qua kênh đào để giúp tàu thuyền đi qua những khu vực có độ cao khác nhau. Ước tính mỗi con tàu đi qua kênh đào Panama tiêu tốn trung bình 735 tấn nước ngọt, trong đó đa số sẽ chảy ra biển. 

Phi Hùng (TTXVN)
Kênh đào Panama duy trì hạn chế lượng tàu qua lại
Kênh đào Panama duy trì hạn chế lượng tàu qua lại

Ngày 24/8, bà Ilya Espino, Phó Ban quản trị Kênh đào Panama, cho biết kênh đào này có thể duy trì những hạn chế về lượng tàu qua lại hằng ngày và độ sâu tối đa của nước cho tàu thuyền ra vào trong ít nhất 10 tháng nữa do hạn hán kéo dài.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN