'Kế sách' mới của Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc

Sự hợp tác của Mỹ và các đồng minh nhằm đối phó hoạt động gián điệp mạng Trung Quốc cho thấy phương pháp tiếp cận mới của Washington trong việc ngăn chặn tình trạng đánh cắp bí mật nhà nước và thương mại.

Anh, Australia, Canada và New Zealand tuần qua đã gia nhập mặt trận chung với Mỹ để phản đối gián điệp mạng.

Cùng ngày, Mỹ đã truy tố hai công dân Trung Quốc là Zhu Hua và Zhang Shilong vì dính líu tới hoạt động đánh cắp tài sản sở hữu trí tuệ thương mại quy mô lớn có liên quan tới Chính phủ Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã bác bỏ cáo buộc này và gọi đây là "vu khống".

Chú thích ảnh
Công nhân làm quốc kỳ Mỹ tại một nhà máy dệt may tại Chiết Giang (Trung Quốc). Ảnh:
REUTERS

Các thành viên Liên minh châu Âu như Hà Lan, Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch cũng lên tiếng đề nghị Trung Quốc tôn trọng quy tắc điện tử quốc tế.

Giáo sư Chong Ja Ian tại Đại học Quốc gia Singapore đánh giá chính quyền Tổng thống Trump có thể nhận được nhiều lợi ích chính trị từ diễn biến này.

Nhà nghiên cứu Abigail Grace tại Trung tâm vì An ninh mới của Mỹ đánh giá diễn biến trong ngày 20/12 cho thấy một "mặt trận đoàn kết" đặc biệt.

Nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của cả Tổng thống Trump và người tiền nhiệm Barack Obama đều công khai chỉ trích hành vi tấn công mạng sai trái của Trung Quốc. Qua các động thái trong chính sách thương mại và đối ngoại, Tổng thống Trump đã trừng phạt Trung Quốc vì không tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế mà chỉ tập trung vào lợi ích riêng về kinh tế, công nghệ và quân sự.

Kênh CNBC (Mỹ) đánh giá việc nhiều quốc gia khác cũng bày tỏ quan điểm còn phần nào phản ánh sự không hài lòng của quốc tế đối với Bắc Kinh khi không có động thái nào đối với những vụ việc tấn công mạng được cho có liên quan tới quân đội Trung Quốc.

Năm quốc gia Mỹ, Anh, Australia, Canada và New Zealand thuộc một liên minh có tên Five Eyes đã chia sẻ thông tin mật về các hoạt động ở nước ngoài của Trung Quốc. Five Eyes gần đây còn không để tập đoàn Trung Quốc Huawei tham gia dự án mạng 5G tại quốc gia của họ. Huawei đã đầu tư rất nhiều công sức và tiền bạc vào phát triển, quảng cáo cho công nghệ 5G. Chủ tịch Tập Cận Bình từng nói ông muốn Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường 5G toàn cầu.

Nhiều quốc gia phương Tây lo sợ Chính phủ Trung Quốc lợi dụng Huawei để do thám. Trong khi đó, Huawei đã nhiều lần bác bỏ điều này.

Canada cũng quan ngại khủng hoảng ngoại giao với với Trung Quốc, sau vụ Bắc Kinh bắt giữ 3 công dân Canada. Một số ý kiến cho rằng những vụ bắt giữ này có liên quan tới vụ Canada bắt giữ giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Chu theo yêu cầu của Mỹ. Washington cho rằng bà Mạnh Vãn Chu đã vi phạm lệnh trừng phạt đối với Iran.

Sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia lo ngại là cơ sở cho gián điệp điện tử. Chính phủ Trung Quốc muốn tạo nhiều đường dây sợi cáp quang, hệ thống viễn thông, thương mại điện tử... tại một số quốc gia thuộc "Vành đai, Con đường". Tuy nhiên, những công nghệ này được cho có hệ thống "cửa hậu" tạo điều kiện cho hoạt động tình báo của Trung Quốc.

Hà Linh/ Báo Tin tức
Thực hư việc Nga muốn xây dựng căn cứ quân sự ở 'sân sau' của Mỹ?
Thực hư việc Nga muốn xây dựng căn cứ quân sự ở 'sân sau' của Mỹ?

Trong bối cảnh Washington quyết tâm rút khỏi Hiệp ước Các Lực lượng Hạt nhân Tầm trung (INF), Moskva rõ ràng đang tìm một biện pháp đối phó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN