Năm 2019, Nhật Bản đã đón một lượng du khách nước ngoài kỷ lục lên tới gần 32 triệu lượt. Đây là cơ sở vững chắc để Tổng cục Du lịch Nhật Bản (JNTO) tự tin đặt ra mục tiêu đón 40 triệu lượt khách quốc tế trong năm khi nước này đăng cai tổ chức các thế vận hội Olympic và Paralympic. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, có thể khẳng định mục tiêu 40 triệu lượt khách chỉ là “giấc mơ dang dở” của JNTO. Và kẻ phá hoại “giấc mơ” của ngành du lịch Nhật Bản không ai khác chính là virus SARS-CoV-2.
Giấc mơ dang dở
Theo thống kê của JNTO, trong giai đoạn 2011-2018, số lượng du khách nước ngoài tới Nhật Bản đã liên tục tăng mạnh, từ mức 6,2 triệu lượt năm 2011 lên 31,2 triệu lượt vào năm 2018. Năm ngoái, Nhật Bản tiếp tục đón 31,88 triệu lượt khách quốc tế, cao nhất từ trước tới nay, bất chấp việc lượng khách đến từ Hàn Quốc, một trong hai thị trường trọng điểm của ngành du lịch nước này, giảm tới 25,9% do căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước.
Do lượng khách quốc tế liên tục tăng nên ngành du lịch đã trở thành một trong những trụ cột tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Nhật Bản. Năm 2019, tổng thu từ các du khách quốc tế của Nhật Bản lên tới 4.810 tỷ yen (38,98 tỷ USD). Đây là năm thứ 7 liên tiếp, tổng thu từ các du khách quốc tế của Nhật Bản tăng. Đáng chú ý, so với nhiều quốc gia khác, chi tiêu của du khách nước ngoài ở Nhật Bản khác cao, bình quân 158.458 yen/người trong năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới thành công của “ngành công nghiệp không khói” ở Nhật Bản là nhờ các chương trình quảng bá du lịch, các chính sách nới lỏng quy định về cấp thị thực, và sự gia tăng của các chuyến bay nối Nhật Bản với Trung Quốc và một số quốc gia châu Á khác. Bên cạnh đó, theo JNTO, số lượng du khách đến từ các quốc gia như Anh và Nga đã tăng đột biến trong năm ngoái khi Nhật Bản đăng cai giải vô địch bóng bầu dục thế giới Rugby World Cup.
Vì vậy, bước vào năm 2020, năm Nhật Bản đăng cai tổ chức các thế vận hội Olympic và Paralympic, ngành du lịch nước này đã đặt ra mục tiêu thu hút 40 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 8.000 tỷ yen (74,6 tỷ USD). Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, có thể khẳng định Nhật Bản sẽ không thể đạt mục tiêu đó.
Các số liệu thống kê của JNTO cho thấy trong tháng 1/2020, Nhật Bản đã đón 2,66 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có 924.800 lượt khách đến từ Trung Quốc, tăng tới 22,6%. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 bùng phát, số lượng du khách nước ngoài tới nước này đã liên tục sụt giảm, xuống còn 1,08 triệu lượt tháng 2, 193.000 lượt tháng 3và 917 lượt trong tháng 4.
Lý giải về sự sụt giảm này, JNTO cho biết các biện pháp hạn chế nhập cảnh mà Nhật Bản và nhiều quốc gia trên thế giới đang áp dụng để khống chế dịch bệnh đã hạn chế luồng khách du lịch quốc tế tới nước này. Tính đến cuối tháng 9, Nhật Bản đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhập cảnh với công dân của 159 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mặt khác, các hoạt động du lịch bằng du thuyền ở nước này đã bị "đóng băng" sau khi Nhật Bản gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý “ổ dịch” trên du thuyền Diamond Princess.
Kể từ tháng 2 đến cuối tháng 9/2020, không có bất cứ du thuyền lớn nào cập cảng nước này, trong khi năm 2019, Nhật Bản đã đón gần 3.000 lượt du thuyền, chở theo gần 2,15 triệu lượt khách. Kể từ tháng Năm đến nay, số lượng khách quốc tế đã bắt đầu tăng trở lại sau khi Chính phủ Nhật Bản nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh. Tuy nhiên, con số thực tế vẫn rất thấp, từ 1.663 lượt trong tháng 5 lên 8.700 lượt trong tháng 8và ước khoảng 13.700 lượt trong tháng 9. Tính chung từ tháng 1 - 9/2020, Nhật Bản mới đón gần 3,98 triệu lượt khách quốc tế, giảm tới hơn 99% so với cùng kỳ năm ngoái.
Liều thuốc "cầm hơi"
Cùng với sự sụt giảm của lượng khách quốc tế, số lượng khách du lịch trong nội địa cũng giảm mạnh sau khi dịch bệnh bùng phát. Điều này khiến cho doanh thu của ngành du lịch và các ngành dịch vụ liên quan khác của Nhật Bản đã sụt giảm mạnh, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới cuộc sống của khoảng 9 triệu người làm việc trong các ngành này. Không ít cơ sở du lịch và công ty lữ hành đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc giải thể. Để tồn tại, nhiều cơ sở phải cắt giảm chi phí bằng cách cắt giảm nhân công hoặc thời gian làm việc của nhân viên.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ Nhật Bản đã gấp rút triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ cho ngành du lịch trong nước. Trong ngân sách bổ sung cho tài khóa 2020, Nhật Bản đã dành ra 1.350 tỷ yen (khoảng 12,59 tỷ USD) để chi cho chương trình kích cầu du lịch nội địa mang tên “Go To Travel”. Được triển khai từ ngày 22/7, chương trình này hỗ trợ tới 50% kinh phí cho các tour du lịch nội địa, bao gồm 35% phí lưu trú và đi lại, và 15% dưới dạng coupon có thể sử dụng để mua sắm, ăn uống và mua vé vào cửa ở các điểm thăm quan, du lịch.
Sau khi triển khai, “Go To Travel” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Chỉ trong tháng đầu tiên, có hơn 2 triệu người đã đăng ký tham gia chương trình này. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy trong quý III/2020, Chính phủ Nhật Bản đã chi tổng cộng 109,9 tỷ yen (1 tỷ USD) để trợ giá cho khoảng 25,18 triệu tour du lịch nội địa. Nhiều khả năng số tiền trợ giá sẽ tăng mạnh trong thời gian tới khi số lượng người tham gia chương trình tiếp tục tăng sau khi Tokyo được bổ sung vào danh sách các điểm đến được trợ giá kể từ đầu tháng Mười.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ duy trì chương trình “Go To Travel” cho tới cuối tháng 1/2021. Tuy nhiên, không ít người tỏ ra lo ngại về khả năng “Go To Travel” sẽ khiến tình hình dịch bệnh ở nước này trở nên nghiêm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản (MLIT) đã yêu cầu các công ty lữ hành và các công ty khác tham gia vào chương trình này phải thực hiện các biện pháp phòng dịch quyết liệt để đảm bảo an toàn cho các du khách. Các công ty không thực hiện các biện pháp phòng dịch đầy đủ sẽ bị loại khỏi chương trình này.
Sau đó, ngày 1/10, Chính phủ Nhật Bản tiếp tục triển khai chương trình kích cầu khác có tên gọi “Go To Eat” nhằm khuyến khích người dân đi ăn ở ngoài. Theo chương trình này, người dân sẽ nhận được điểm thưởng tương đương 5 USD cho bữa trưa và 10 USD cho bữa tối khi họ đặt chỗ tại các nhà hàng thông qua 15 trang web như Gurunavi and Tabelog. Họ có thể sử dụng các điểm thưởng này để trả cho các bữa ăn sau đó tại các nhà hàng tham gia chương trình này.
Ngoài ra, Nhật Bản còn triển khai chương trình “Go To Event” nhằm hỗ trợ các cơ sở vui chơi, giải trí. Theo chương trình này, Chính phủ sẽ trợ giá mua vé cho người dân tham gia các sự kiện như các trận thi đấu thể thao, xem phim, hòa nhạc và biểu diễn nghệ thuật…, hay thăm quan các bảo tàng và công viên giải trí.
Song song với việc kích cầu du lịch trong nước, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã phối hợp với các công ty điều hành các du thuyền và chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và quản lý khủng hoảng để soạn thảo văn bản hướng dẫn về việc thực hiện các phòng chống dịch COVID-19 trên các du thuyền. Đây là bước đi cần thiết nhằm tạo điều kiện cho các công ty vận tải nối lại hoạt động du lịch bằng du thuyền, trước hết là ở trong nước. Trên cơ sở đó, ngày 25/10, du thuyền Nippon Maru thuộc sở hữu của Mitsui O.S.K. Passenger Lines Ltd. đã rời cảng Niihama ở tỉnh Ehime để tới cảng Sasebo thuộc tỉnh Nagasaki. Đây là lần đầu tiên một du thuyền chở theo hành khách hoạt động trở lại ở Nhật Bản kể từ tháng 2/2020.
Mặc dù vậy, theo giới phân tích, các biện pháp trên của Chính phủ Nhật Bản sẽ chỉ giúp ngành du lịch nước này tạm thời vượt qua khó khăn giống như “cháo cầm hơi”. Điều kiện tiên quyết để "ngành công nghiệp không khói" có thể phục hồi và hoàn thành giấc mơ vẫn còn dang dở của mình là dịch COVID-19 phải được khống chế, không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở các thị trường du lịch quan trọng của nước này. Khi đó, Nhật Bản mới có thể tự tin mở cửa cho du khách nước ngoài và ngược lại, du khách quốc tế có thể yên tâm tới Nhật Bản.