Kế hoạch AI của Tổng thống Trump: Gỡ bỏ rào cản, tăng tốc đổi mới công nghệ

Chính quyền Tổng thống Trump vừa công bố kế hoạch hành động về AI với mục tiêu giữ vững vị thế dẫn đầu toàn cầu.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN.

Kênh CNN mới đây đưa tin, chính quyền Tổng thống Trump ngày 23/7 công bố kế hoạch hành động về trí tuệ nhân tạo (AI Action Plan), bao gồm một loạt sáng kiến và khuyến nghị chính sách nhằm củng cố vai trò dẫn đầu toàn cầu của Mỹ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc và các đối thủ toàn cầu trong lĩnh vực AI.

Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu này, Nhà Trắng lựa chọn hướng tiếp cận tập trung vào việc nới lỏng các quy định kiểm soát AI. Kế hoạch bao gồm ba trụ cột chính: thúc đẩy đổi mới công nghệ, phát triển hạ tầng AI tại Mỹ và đưa phần cứng cùng phần mềm Mỹ trở thành tiêu chuẩn cho các ứng dụng AI trên toàn cầu. 

Kế hoạch thúc đẩy việc đơn giản hóa quy trình cấp phép cho trung tâm dữ liệu, nhà máy sản xuất chip bán dẫn và hạ tầng năng lượng. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ sẽ hợp tác với các công ty công nghệ trong nước để cung cấp các gói xuất khẩu AI toàn diện, bao gồm mô hình AI, phần cứng và phần mềm, cho các quốc gia đồng minh. Đây là một phần trong chiến lược nhằm đưa công nghệ Mỹ trở thành tiêu chuẩn toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Kế hoạch cũng khuyến nghị tăng cường vai trò điều phối tập trung của chính phủ liên bang trong lĩnh vực AI, nhằm tránh tình trạng phân mảnh chính sách giữa các bang vì điều này có thể làm chậm tiến trình đổi mới và tạo ra bất lợi cho doanh nghiệp trong quá trình triển khai công nghệ.

Ngoài ra, kế hoạch nhấn mạnh việc loại bỏ các yếu tố “thiên vị chính trị” trong các hệ thống AI và khuyến nghị rằng các mô hình AI được chính phủ liên bang sử dụng phải “khách quan và không mang tính định hướng tư tưởng từ trên xuống”. Kế hoạch cũng đề xuất sửa đổi các quy định về mua sắm công, nhằm bảo đảm rằng chính phủ chỉ hợp tác với những nhà cung cấp dịch vụ AI đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này.

Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Trump nhằm mở rộng hạ tầng và đầu tư cho AI tại Hoa Kỳ. Ở góc độ rộng hơn, đây cũng là một phần trong nỗ lực đưa ngành sản xuất trở lại trong nước, tạo thêm việc làm và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ.

Kế hoạch này được công bố sau khi chính quyền Tổng thống Trump thực hiện hàng loạt động thái thúc đẩy đầu tư vào công nghệ. Ngày 15/7, ông Trump công bố khoản đầu tư hơn 90 tỷ USD từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, năng lượng và tài chính, nhằm biến bang Pennsylvania thành trung tâm phát triển trí tuệ nhân tạo.

Trước đó, ông Trump đã công bố dự án hạ tầng AI mang tên Stargate với tổng vốn đầu tư 500 tỷ USD, hợp tác cùng Giám đốc điều hành OpenAI Sam Altman, Giám đốc điều hành SoftBank Masayoshi Son và Chủ tịch Oracle Larry Ellison. Tổng thống cũng tuyên bố sẽ dỡ bỏ các hạn chế thời Biden về xuất khẩu chip AI, và gần đây hãng Nvidia đã được phép nối lại việc bán dòng chip H20 cho thị trường Trung Quốc.

Phát biểu tại sự kiện công nghệ có tên Chiến thắng cuộc đua AI (Winning the AI Race) diễn ra ở Washington, Tổng thống Trump cho rằng thế giới đang bước vào một cuộc cạnh tranh tốc độ cao nhằm làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo. Ông khẳng định Mỹ là quốc gia khởi xướng cuộc đua này và tuyên bố với tư cách là Tổng thống, ông sẽ bảo đảm rằng nước Mỹ là bên giành chiến thắng.

Kế hoạch của Tổng thống Trump nhận được sự đồng tình từ quan chức trong chính quyền và giới công nghệ. Theo giới chức Mỹ, kế hoạch này thể hiện nỗ lực phối hợp giữa khu vực tư nhân, giới học thuật và các tổ chức xã hội trong việc thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho phát triển trí tuệ nhân tạo. Việc gỡ bỏ các rào cản hành chính được xem là bước đi cần thiết để đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ và tăng cường khả năng cạnh tranh của Mỹ trong lĩnh vực AI.

Cố vấn đặc trách AI của Nhà Trắng David Sacks khẳng định AI là một công nghệ mang tính cách mạng, có ảnh hưởng sâu rộng đến cả kinh tế và an ninh quốc gia, do đó việc Mỹ tiếp tục giữ vai trò là cường quốc hàng đầu trong lĩnh vực này là điều hết sức quan trọng.

Ở chiều ngược lại, một số ý kiến chỉ trích cho rằng chủ trương của chính quyền Tổng thống Trump đang ưu tiên lợi ích của ngành công nghệ hơn là đảm bảo an toàn trong phát triển AI. Trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về việc AI có thể thay thế lao động hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và xã hội, các nhóm hoạt động vì quyền riêng tư, công đoàn lao động và nhiều tổ chức dân sự đã kêu gọi xây dựng một “Kế hoạch Hành động của con người (People’s Action Plan)” nhằm đối trọng với các đề xuất của chính quyền.

Một số chuyên gia bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của các chính sách được đề xuất trong kế hoạch. Cụ thể, việc yêu cầu các nhà phát triển AI phải bảo đảm hệ thống của họ “khách quan và không mang định hướng tư tưởng từ trên xuống” bị cho là khó áp dụng trong thực tế, do khái niệm “thiên vị” vẫn chưa được định nghĩa rõ ràng.

Hải Trần/Báo Tin tức và Dân tộc
Tòa án Tối cao Mỹ ‘bật đèn xanh’ cho việc sa thải nhân viên liên bang
Tòa án Tối cao Mỹ ‘bật đèn xanh’ cho việc sa thải nhân viên liên bang

Ngày 23/7, Tòa án Tối cao Mỹ ra phán quyết cho phép chính quyền của Tổng thống Donald Trump loại bỏ 3 thành viên đảng Dân chủ khỏi Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng (CPSC), những người trước đó từng bị Tổng thống Trump sa thải nhưng sau được một thẩm phán liên bang khôi phục chức vụ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN