Kazakhstan sẵn sàng tăng xuất khẩu uranium cho EU nếu cần thiết do những lo ngại rủi ro nguồn cung vì cuộc đảo chính quân sự ở Niger gây ra, người đứng đầu công ty hạt nhân nhà nước Kazatomprom của Kazakhstan mới đây cho biết.
Giám đốc điều hành Kazatomprom Yerzhan Mukanov cho biết, mặc dù “hiện tại chúng tôi chưa thấy nhu cầu”, nhưng công ty “tất nhiên” sẵn sàng tăng xuất khẩu nhiên liệu hạt nhân sang EU.
Niger là nước xuất khẩu uranium thô lớn thứ hai của EU sau Kazakhstan vào năm ngoái, chiếm tới 1/4 nguồn cung. Cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 7 đã làm dấy lên lo ngại về khả năng tiếp cận uranium từ nước này, mặc dù chính quyền mới không cấm buôn bán uranium với EU.
Pháp cũng có lợi ích kinh doanh liên quan đến hạt nhân ở nước này, bao gồm cả việc khai thác uranium.
Bất chấp tình trạng bất ổn ở Niger, có rất ít mối đe dọa ngay lập tức đối với nguồn cung của EU vì các nhà máy điện thường có khả năng dự trữ trong 2 năm.
Nguyen Phuc Vinh, chuyên gia của Trung tâm Năng lượng Jacques Delors (Pháp), cho biết: “Về lâu dài, chúng tôi sẽ ổn miễn là chúng tôi đánh giá đúng tình hình” và lên kế hoạch tìm nhà cung cấp thay thế.
Tuy nhiên, vị chuyên gia trên lưu ý, cuộc đảo chính Niger có thể ngăn cản các nước EU trừng phạt lĩnh vực hạt nhân của Nga, điều mà Ukraine và một số nước trong khối đang thúc đẩy.
Mặc dù EU đã trừng phạt các sản phẩm dầu và dầu thô của Nga nhưng lĩnh vực hạt nhân vẫn được miễn trừ. Hungary, Slovakia, Bulgaria, Phần Lan và CH Séc vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hạt nhân của Nga bất chấp những nỗ lực gần đây của một số nước nhằm đa dạng hóa nguồn cung của họ và trong lịch sử đã từ chối trừng phạt Moskva.
Ông Vinh nói, một số quốc gia trong số này “có thể dễ dàng lập luận” rằng cuộc đảo chính ở Niger tạo ra nhiều bất ổn hơn, đồng thời gác lại các cuộc thảo luận sâu hơn về lệnh trừng phạt hạt nhân của Nga.
Kazakhstan là quốc gia khai thác uranium hàng đầu thế giới với 12% tổng trữ lượng và chiếm hơn 40% sản lượng uranium trên toàn cầu.
Ông Vinh cho biết, đề nghị Kazakhstan tăng cường xuất khẩu “có thể là một giải pháp” nếu nguồn cung từ Niger sụt giảm, điều này sẽ cần đầu tư bổ sung để tăng sản lượng khai thác.
Tuy nhiên, khi EU cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, họ cũng có thể muốn tìm đến các quốc gia khác để có thêm nguồn cung, bao gồm Canada và Australia.
Hiện tại, Giám đốc Mukanov cho biết sẽ khó có "tác động lớn từ tình hình Niger”, trích dẫn thị phần sản xuất tương đối nhỏ của quốc gia Tây Phi này - Niger năm ngoái chiếm khoảng 4% sản lượng uranium toàn cầu - và phản ứng thị trường phần lớn im lặng sau cuộc đảo chính quân sự.