Theo kênh CNN, Nga đã phản ứng mạnh sau khi Litva cấm vận chuyển hàng hóa thuộc diện bị trừng phạt qua lãnh thổ của mình vào Kaliningrad. Litva cho biết họ chỉ đang thực hiện các lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) và EU ủng hộ điều đó.
Xung đột hiện nay có nguy cơ leo thang căng thẳng giữa Nga và EU sau khi EU đã công bố một số gói trừng phạt nhằm vào hàng hóa Nga.
Nguyên nhân gây ra vụ căng thẳng quanh Kaliningrad
Kể từ khi Nga thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2, các chuyên gia đã lo ngại rằng Kaliningrad có thể trở thành tâm điểm trong căng thẳng giữa Nga và châu Âu.
Đây là lãnh thổ cực tây của Nga và là phần duy nhất của Nga nằm giữa các quốc gia EU. Litva nằm giữa Kaliningrad và Belarus, còn Ba Lan giáp biên giới Kaliningrad ở phía nam.
Ngày 20/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết động thái của Litva là chưa từng có tiền lệ và Nga coi đây là hành động bất hợp pháp. Các quan chức Nga đã cảnh báo sẽ đáp trả.
Ông Nikolai Patrushev, Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga, cho biết: “Nga chắc chắn sẽ đáp trả những hành động thù địch như vậy. Các biện pháp đang được thực hiện theo hình thức liên bộ và sẽ được thực hiện trong tương lai gần. Hậu quả sẽ tác động tiêu cực đến người dân Litva”.
Theo hãng thông tấn Nga TASS, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết các sản phẩm thuộc diện bị EU trừng phạt và bị cấm xuất khẩu sang lãnh thổ Nga gồm máy móc xây dựng, máy công cụ và thiết bị công nghiệp khác. Một số hàng hóa xa xỉ cũng bị trừng phạt.
Về phần mình, Bộ Ngoại giao Litva cho biết nước này không áp đặt các biện pháp trừng phạt đơn phương, cũng như không áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Đại biện Litva tại Moskva đã bị triệu tập tới Bộ Ngoại giao Nga vào ngày 20/6 và được thông báo rằng nếu quá trình vận chuyển hàng hóa đến khu vực Kaliningrad không được khôi phục hoàn toàn, Nga có quyền thực hiện các hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Tuy nhiên, EU đã ủng hộ Litva thực hiện các biện pháp trừng phạt Nga.
Phát biểu với hãng tin Reuters, ông Dmitry Lyskov, đại diện của chính quyền khu vực Kaliningrad, đã buộc phải kêu gọi người dân không tích trữ hàng hóa sau vụ tranh cãi giữa Nga và Litva.
Giờ đây, các hàng hóa bị trừng phạt sẽ phải đi theo đường biển. Ông Rolandas Kacinskas, một quan chức Litva, cho biết rằng Litva không cấm vận chuyển hành khách và hàng hóa không thuộc diện bị EU trừng phạt đến khu vực Kaliningrad qua lãnh thổ của Litva.
Tầm quan trọng của Kaliningrad
Sau Chiến tranh thế giới thứ 2 năm 1945, Kaliningrad trở thành một phần lãnh thổ của Liên Xô theo kết quả của Hiệp định Potsdam. Kaliningrad được đổi tên từ Königsberg của Đức vào năm 1946.
Trong nhiều thập kỷ, Kaliningrad là một khu vực được quân sự hóa mạnh mẽ, đóng cửa với người nước ngoài. Nhưng trong những năm gần đây, Kaliningrad đã trở thành một điểm du lịch mới nổi và nơi đây đã tổ chức các trận đấu trong khuôn khổ World Cup 2018 mà Nga đăng cai.
Kaliningrad có dân số khoảng 1 triệu người, phần lớn sống trong hoặc gần thủ phủ cùng tên. Kaliningrad là một trong những khu vực thịnh vượng của Nga, có ngành công nghiệp phát triển. Cảng Baltiysk là bến cảng cực tây trên lãnh thổ Nga và không có băng quanh năm. Các đường phố của thành phố chính có kiến trúc cổ của Đức và có các những khu chung cư từ thời Xô Viết.
Tầm quan trọng của Kaliningrad là nhờ vị trí của khu vực này. Một dải đất mỏng ở phía nam Kaliningrad ngăn cách với Belarus và nối liền lãnh thổ Ba Lan và Litva. Được gọi là hành lang Suwalki, Kaliningrad là đường liên kết trên bộ duy nhất giữa các nước Baltic và phần còn lại của Liên minh châu Âu. Kaliningrad cũng là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic của Nga.
Năm 2002, EU và Nga đã đạt được một thỏa thuận về việc đi lại giữa Nga và Kaliningrad trước khi Ba Lan và Litva gia nhập EU vào năm 2004. Khi các nước này gia nhập EU, Kaliningrad bị lãnh thổ EU bao vây ba phía. Nga nói rằng thỏa thuận năm 2002 hiện đã bị vi phạm.
Tầm quan trọng của Kaliningrad thậm chí còn lớn hơn đối với Nga khi theo kế hoạch, Thụy Điển và Phần Lan sẽ gia nhập NATO,
Vào tháng 5, ông Dmitry Medvedev, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Nga cho biết kế hoạch gia nhập NATO của hai nước trên có nghĩa là sẽ không còn có thể nói về tình trạng phi hạt nhân hóa của các nước Baltic và cần khôi phục cân bằng.
Từ lâu, Nga đã không thích các nước NATO hiện diện xung quanh Kaliningrad. Sau khi báo chí đưa tin Nga đưa tên lửa Iskander tới Kaliningrad, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói với CNN năm 2015: “Họ đã chuyển cơ sở hạ tầng của NATO đến gần biên giới chúng tôi. Đây không phải là lãnh thổ của Mỹ”.
Kể từ khi xảy ra cuộc chiến ở Ukraine, Litva đã thúc giục NATO tăng cường triển khai quân đội trên lãnh thổ của mình.