Người phát ngôn của Chính phủ Jordan nêu rõ lệnh giới nghiêm được ban bố nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19.
Hai tuần trước đây, Chính phủ Jordan đã nới lỏng lệnh giới nghiêm, theo đó cho phép người dân được ra khỏi nhà vào ban ngày đi bộ đến các cửa hàng gần nhà mua nhu yếu phẩm cần thiết. Ngày 2/4, nước này khôi phục lệnh giới nghiêm trong 24 giờ để cho phép các nhân viên y tế tiếp cận các khu vực nghi ngờ virus SARS-CoV-2 lây lan.
Theo báo cáo mới nhất, Bộ Y tế Jordan thông báo thêm 5 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 358 người.
Lo ngại dịch bệnh đe dọa an ninh lương thực trong nước, Jordan ngày 8/4 đã quyết định cấm xuất khẩu mọi mặt hàng lương thực, thực phẩm, xem đây là biện pháp phòng ngừa để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân trong nước trong trường hợp dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nước này. Hiện Jordan cũng đã cấm nhập khẩu hàng hóa từ Italy - "điểm nóng" dịch COVID-19 tại châu Âu.
Bộ Tài chính Jordan ngày 8/4 cảnh báo nguồn thu ngân sách từ các hoạt động kinh tế sụt giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng nặng nề đến tài chính của nước này, song khẳng định Jordan vẫn có khả năng thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với các khoản nợ nước ngoài. Jordan hiện phụ thuộc vào các khoản vay viện trợ.
Cùng ngày, Ai Cập thông báo gia hạn thêm 2 tuần lệnh giới nghiêm ban đêm, theo đó lệnh giới nghiêm được thực thi từ ngày 25/3 sẽ kéo dài đến ngày 23/4. Hiện tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 tại Ai Cập đã lên tới 1.560 ca, trong đó có 103 ca tử vong. Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouly kêu gọi người dân nghiêm túc tuân thủ các chỉ dẫn y tế ngăn chặn sự lây lan của virus, tránh cho quốc gia này phải đối mặt với diễn biến dịch bệnh mất kiểm soát như ở nhiều nước khác hiện nay.
Trong những tuần qua, Ai Cập đã triển khai một loạt biện pháp phòng chống dịch COVID-19 như đóng cửa các trường học, trường đại học, tạm ngừng các chuyến bay, hủy các sự kiện thể thao, đóng cửa các trung tâm giải trí, trung tâm thương mại, ngừng các hoạt động tôn giáo, đóng cửa các viện bảo tàng, di tích khảo cổ,...
Cũng trong ngày 8/4, Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ thông báo nước này đã ghi nhận thêm 4.117 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 và 87 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong do chủng virus này ở Thổ Nhĩ Kỳ lên các con số tương ứng 38.226 và 812.
Tại Iraq, Bộ Y tế nước này ngày 8/4 xác nhận tổng cộng 1.202 ca nhiễm và 69 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 trên toàn quốc. Trong vòng 24 giờ qua có 80 ca nhiễm tại Iraq, trong đó 15 ca ở thủ đô Baghdad. Chính phủ Iraq hiện đang áp dụng một số biện pháp để kiềm chế sự bùng phát của dịch COVID-19, theo đó mở rộng lệnh giới nghiêm trên toàn quốc cho tới ngày 19/4.
Bộ Y tế Saudi Arabia ngày 8/4 cho biết tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở nước này đã tăng lên 2.932, sau khi ghi nhận thêm 327 trường hợp nhiễm mới. Bộ Y tế Saudi Arabia kêu gọi người dân nước này theo sát những chỉ dẫn y tế và tuân thủ chặt chẽ các biện pháp đang được triển khai để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Cùng ngày, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) thông báo có thêm 300 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 2.659.