Ixraen và Palextin thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gada

Một quan chức tình báo Ai Cập ngày 13/3 cho biết Ixraen và các phe phái Palextin ở Dải Gada đã nhất trí ngừng bắn "toàn diện" giữa hai bên sau bốn ngày diễn ra các cuộc xung đột đẫm máu. Quan chức giấu tên này nêu rõ: "Một thỏa thuận chấm dứt các hành động hiện tại giữa hai bên đã có hiệu lực. Ai Cập sẽ giám sát quá trình thực thi thỏa thuận này".


Theo thỏa thuận ngừng bắn, bắt đầu có hiệu lực từ 1 giờ sáng ngày 13/3 (6 giờ sáng theo giờ Việt Nam), phía Palextin ngừng bắn rốckét vào lãnh thổ Ixraen, đồng thời phía Ixraen ngừng hoạt động không kích nhằm vào các tay súng Palextin ở Dải Gada. Nguồn tin trên cho biết thỏa thuận đạt được sau khi Ai Cập tăng cường liên lạc với cả hai bên trong một nỗ lực nhằm "ngăn chặn các hoạt động quân sự nhằm vào Dải Gada và chấm dứt cảnh đổ máu của người Palextin". Hiện chưa có bình luận chính thức nào từ hai bên.


Truyền thông Ixraen dẫn lời các quan chức nước này khẳng định lại chính sách của Ten Avíp "sẽ đáp lại sự yên lặng bằng yên lặng" nhưng không bảo đảm kiềm chế không kích Dải Gada trong trường hợp lại bị tấn công bằng rốckét.


Trong khi đó, một quan chức Palextin thân cận với tiến trình đàm phán cho biết "các phe phái đã cam kết ngừng bắn", ám chỉ nhóm Hồi giáo Jihad và Các ủy ban kháng chiến nhân dân (PRC) vốn tham gia chủ yếu vào các vụ bắn rốckét sang Ixraen. Tuy nhiên, các nhóm này đang chờ xem phản ứng của Ixraen.


Chuyển người Palextin bị thương trong vụ oanh tạc của máy bay Ixraen tới bệnh viện al-Shefa, thành phố Gada ngày 12/3. Ảnh: THX/TTXVN


Xung đột leo thang từ ngày 9/3 khi máy bay chiến đấu Ixraen tấn công một ô tô ở Gada, giết chết chỉ huy trưởng của PRC. Các nhóm vũ trang Palextin, chủ yếu là PRC và Jihad, đã bắn 180 quả rốckét vào miền Nam Ixraen. Ixraen đáp lại bằng 37 đợt không kích. Các nguồn tin cho biết ít nhất 25 người Palextin đã thiệt mạng và 18 người Ixraen bị thương trong 4 ngày xung đột vừa qua.


Tình trạng bạo lực khiến cộng đồng quốc tế phải lên tiếng. Ngày 12/3, Tổng thư ký Liên đoàn Arập (AL) Nabil al-Arabi đã lên án các cuộc không kích liên tục của Ixraen nhằm vào Dải Gada. Trong một tuyên bố, ông Arabi cũng cảnh báo về những hậu quả của việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn đã được cả Ixraen và Palextin nhất trí. Ông đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thể hiện trách nhiệm và lập trường kiên quyết nhằm chặn đứng những "hành động tàn bạo". Tổng thư ký AL cho biết đã tham vấn các nước Arập và ban lãnh đạo Palextin về một biện pháp của khối Arập nhằm ngăn chặn hoạt động không kích của Ixraen.


Cùng ngày 12/3, Chính phủ Mỹ yêu cầu Ixraen và Palextin chấm dứt xung đột, cùng nỗ lực khôi phục sự ổn định song người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng "Ixraen có quyền phòng vệ". Ai Cập, nước đang trở lại vai trò trung gian cho cuộc khủng hoảng Trung Đông, có những phản ứng khá mạnh mẽ. Hãng thông tấn MENA đưa tin Hội đồng Nhân dân (Hạ viện) Ai Cập đã nhất trí hối thúc trục xuất Đại xứ Ixraen tại Ai Cập do Nhà nước Do Thái tiếp tục không kích Dải Gada.


Trong một tuyên bố do Ủy ban các vấn đề Arập đưa ra, các nghị sĩ cũng yêu cầu triệu hồi Đại sứ Ai Cập tại Ixraen, đồng thời tiếp tục hối thúc Chính phủ Ai Cập lập tức ngừng xuất khẩu khí đốt sang Ixraen vì những hành động xâm phạm nhân quyền của Ixraen khi thực hiện hành vi gây hấn nhằm vào dân thường.


Ngày 12/3, trong một nỗ lực mới nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho Trung Đông, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã chủ trì hội nghị nhóm "Bộ Tứ" gồm LHQ, Mỹ, Nga và Liên minh châu Âu (EU) với sự tham gia của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Catherine Ashton và đặc phái viên của "Bộ Tứ" về hòa bình Trung Đông, ông Tony Blair.


Hội nghị đã thảo luận tình hình nghiêm trọng ở Dải Gada và miền Nam Ixraen đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về xung đột leo thang. "Bộ Tứ" kêu gọi Ixraen và Palextin nối lại đàm phán và kiềm chế các hành động khiêu khích lẫn nhau.


"Bộ Tứ" đã đánh giá những diễn biến tại Trung Đông kể từ sau Tuyên bố ngày 23/9/2011 trong đó kêu gọi Ixraen và Palextin nối lại đàm phán song phương trực tiếp không chậm trễ và không điều kiện tiên quyết. Ông Ban Ki-moon nhấn mạnh cộng đồng thế giới phải tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán thực chất giữa Ixraen và Palextin để giải quyết các vấn đề cốt lõi là lãnh thổ, an ninh, người tị nạn, quy chế đối với thành phố Jerusalem, đồng thời chấm dứt sự chiếm đóng của Ixraen kéo dài từ năm 1967 trên các vùng lãnh thổ Palextin.


TTXVN/Tin Tức


Ixraen tiếp tục oanh tạc Dải Gaza
Ixraen tiếp tục oanh tạc Dải Gaza

Ngày 12/3, Ixraen tiếp tục tiến hành các vụ không kích trên toàn Dải Gaza, làm 35 người, phần lớn là trẻ em bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN