Thủ tướng Italy Enrico Letta vừa lên tiếng cảnh báo nước này sẽ phải "trả giá đắt" nếu để xảy ra tình trạng bất ổn chính trị mới, một ngày trước khi một ủy ban của Thượng viện tiến hành họp để quyết định liệu có tước bỏ chức danh Thượng nghị sĩ của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi hay không.Cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi. Ảnh: atlanticsentinel.com |
Phát biểu tại cuộc hội thảo kinh doanh tổ chức ở thành phố Cernobbio gần Milan ngày 8/9, ông Letta nhấn mạnh rằng sự phục hồi kinh tế ở Italy đã bị cản trở quá lâu do những bất ổn chính trị kéo dài. Theo ông Letta, "sự bất ổn có cái giá của nó, có nghĩa rằng lãi suất sẽ tăng cao trở lại và Italy sẽ phải trả giá đắt hơn nữa".
Cũng theo ông Letta, người được chỉ định làm Thủ tướng chính phủ liên minh tả - hữu mong manh tiếp sau cuộc Tổng tuyển cử bị bế tắc hồi tháng 2/2013, khoảng thời gian nắm quyền vừa qua của ông là không hề dễ dàng. Tuy nhiên, ông Letta đã phản bác ý kiến cho rằng chính phủ ông đã không có hành động gì, đồng thời cam kết sẽ "chặt đứt sợi xích" vốn lâu nay đã ngăn cản những cải cách kinh tế ở Italy.
Cảnh báo của ông Letta được đưa ra giữa lúc một ủy ban của Thượng viện ngày 9/9 sẽ bắt đầu xem xét liệu có nên tước bỏ chức danh Thượng nghị sĩ của cựu Thủ tướng Berlusconi hay không theo phán quyết của Tòa án Tối cao. Tiếp đó, một cuộc bỏ phiếu của toàn thể Thượng viện sẽ được tổ chức để quyết định tương lai chính trị của ông này.
Lâu nay, đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của ông Berlusconi cảnh báo sẽ rút khỏi liên minh cầm quyền và hạ bệ chính phủ nếu các thành viên thuộc phe trung tả bỏ phiếu tán thành việc khởi động tiến trình tước quyền Thượng nghị sĩ của ông Berlusconi.
Một số nhà phân tích cho rằng PDL đang muốn tổ chức một cuộc bầu cử mới trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận mới đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đối với PDL đã vượt lên so với đảng Dân chủ (PD) trung tả. Tuy nhiên, Tổng thống Giorgio Napolitano, nhân vật sẽ quyết định có tổ chức bầu cử sớm hay không hoặc sẽ tìm cách xây dựng một liên minh mới nếu PDL rút lui sự ủng hộ đối với chính phủ đương nhiệm, từng nói rõ ông không muốn một cuộc bầu cử mới diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy một năm kể từ cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Giêng.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ trưởng Cải cách Hiến pháp Italy Gaetano Quagliariello, thuộc đảng PDL, đã hạ thấp nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng. Trả lời phỏng vấn tạp chí "Il Tempo", ông Quagliariello cho rằng một cuộc bầu cử sớm tại thời điểm hiện nay sẽ không giúp ích gì cho Italy hoặc cho ông Berlusconi.
Hiện cũng có tin cho biết các luật sư của ông Berlusconi đã đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Nhân quyền Châu Âu để đòi Tòa án này xem xét việc Tòa án Tối cao Italy kết tội tham nhũng ông trùm truyền thông này hồi đầu tháng 8. Họ lập luận rằng việc Tòa án Tối cao kết án ông Berlusconi đã vi phạm Điều 7 trong Công ước châu Âu về Nhân quyền. Điều luật này quy định không ai bị phạt vì một hành động không bị coi là tội hình sự vào thời điểm vi phạm, đồng thời cấm áp đặt hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng vào thời điểm phạm tội.
Thông thường thì Tòa án Nhân quyền Châu Âu bác bỏ hầu hết các đơn kiến nghị. Tuy nhiên, nếu Tòa án này chấp nhận xem xét vụ việc của ông Berlusconi và ra phán quyết ủng hộ ông ta, Italy dự kiến sẽ phải tuân thủ phán quyết đó. Nguyên nhân là các quyết định của Tòa án Nhân quyền Châu Âu đều mang tính ràng buộc đối với các nước trong Hội đồng Châu Âu, trong đó có Italy. Về lý thuyết, nếu nước nào phớt lờ phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu, nước đó có thể bị loại khỏi Hội đồng Châu Âu. Song trên thực tế, điều này chưa bao giờ diễn ra.
Ngự Bình (Phóng viên TTXVN tại Roma)