Theo phóng viên TTXVN tại Rome, phát biểu tại cuộc họp báo tối 5/8, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và giao thông Italy Enrico Giovannini nêu rõ kể từ ngày 1/9, chỉ những người có "Thẻ xanh" mới được sử dụng các phương tiện giao thông đường dài như hàng không, đường sắt, xe buýt, tàu thủy và phà trên các tuyến liên vùng, trừ Eo biển Messina. Lệnh này tạm thời được áp dụng đến ngày 31/12, khi tình trạng khẩn cấp COVID-19 dự kiến hết hạn.
Trong khi đó, các giáo viên sẽ không được phép đến lớp học nếu không có "Thẻ xanh" và sau 5 ngày vắng mặt, họ sẽ không còn được trả lương. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza nhấn mạnh rằng "lựa chọn của chính phủ là đầu tư vào thẻ xanh càng nhiều càng tốt để tránh đóng cửa và bảo vệ tự do".
Theo số liệu mới nhất của Bộ Y tế Italy, ngày 5/8, nước này có 7.230 ca nhiễm mới, so với 6,596 ca trong ngày 4/8, trong khi số người tử vong vì COVID-19 tăng lên 27, so với 21 người ngày 4/8.
"Thẻ xanh" tại Italy được cấp những người đã tiêm ít nhất một mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc đã có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính với COVID-19 được thực hiện trong 48 giờ trước đó, và có hiệu lực 6 tháng với các trường hợp phục hồi sau điều trị COVID-19.
Trước đó, ngày 22/7, Chính phủ Italy đã ra một sắc lệnh quy định kể từ ngày 6/8, người dân bắt buộc phải có "Thẻ xanh" để tiếp cận các dịch vụ và hoạt động không thiết yếu như: ngồi ăn uống trong không gian kín, nhà hàng, quán bar, các sự kiện thể thao, các buổi biểu diễn, bảo tàng, sự kiện văn hóa và triển lãm, bể bơi, phòng tập gym, trung tâm chăm sóc sức khỏe, rạp chiếu phim.
Tính đến ngày 4/8, khoảng 65% người dân Italy đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19, trong đó 54% đã được tiêm đủ liều, bằng mức của hầu hết các nước châu Âu.