Theo ông Alfano, người đang có chuyến thăm Serbia, Italy có bổn phận đề nghị các bên liên quan hạ thấp giọng điệu công kích lẫn nhau nhằm giảm bớt tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, Italy có thể hiểu được quyết định của các nước, bắt đầu với Hà Lan. Việc Italy có quan hệ hợp tác tốt với Thổ Nhĩ Kỳ không có nghĩa Italy sẽ "nhắm mắt làm ngơ" trước các vấn đề nhất định nào đó mà theo truyền thống của Rome là không được phép như vậy.
Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Numan Kurtulmus (giữa) phát biểu sau một cuộc họp ở Ankara ngày 12/1/2016. Ảnh:AFP/TTXVN |
Quan hệ giữa Ankara và một số nước EU đang lún sâu vào "vòng xoáy" chỉ trích lẫn nhau sau khi một số quốc gia như Đức và Hà Lan không chấp nhận cho các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ tới vận động chính trị để lôi kéo người gốc Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan trong cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp sẽ diễn ra vào ngày 16/4 tới. Căng thẳng này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngừng quan hệ ngoại giao cấp cao với Hà Lan, đe dọa áp đặt trừng phạt và đưa vụ việc ra trước Tòa án nhân quyền châu Âu.
Cũng trong ngày 14/3, Tổng thống Erdogan tuyên bố căng thẳng ngoại giao giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hà Lan không thể lắng dịu với một lời xin lỗi, đồng thời khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt.
Phát biểu tại một sự kiện tại Ankara, Tổng thống Erdogan tuyên bố việc cử tri Thổ Nhĩ Kỳ bỏ phiếu tán thành trong cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 16/4 tới sẽ là câu trả lời tốt nhất đối với những "kẻ thù" của Thổ Nhĩ Kỳ.