Italy ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong ngày do COVID-19; Anh bổ sung hàng nghìn giường bệnh và nhân viên y tế

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 21/3 cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 793 ca tử vong mới do COVID-19.

Đây là số ca tử vong kỷ lục trong một ngày, nâng tổng số ca tử vong do virus SARS-CoV-2 ở "đất nước hình chiếc ủng" tăng vọt lên 4.825 người, chiếm 38,3% tổng số ca tử vong do COVID-19 trên toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại bệnh viện ở Lombardy, Italy ngày 17/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trước diễn biến tình hình phức tạp, Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã công bố bổ sung các biện pháp nghiêm ngặt, thắt chặt hơn nữa hoạt động đi lại của người dân, đồng thời đóng cửa tất cả các hoạt động sản xuất “phi chiến lược”, không thực sự cần thiết trên toàn lãnh thổ. Ngoài các hoạt động sản xuất thiết yếu, chính phủ chỉ cho phép triển khai phương thức làm việc thông minh (smartworking). Các siêu thị, cửa hàng thực phẩm, hiệu thuốc và các dịch vụ thiết yếu sẽ được đảm bảo. Các biện pháp mới sẽ áp dụng đến ngày 3/4.

Vùng Lombardia, tâm dịch miền Bắc Italy, cùng ngày đã thông qua một loạt lệnh mới nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh, trong đó có mức phạt lên đến 5.000 euro với những trường hợp không tôn trọng lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng. 

Tại Pháp, trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 112 ca tử vong do virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 562 trường hợp. Ngoài ra, tính đến thời điểm này, tại Pháp có tổng cộng 14.459 ca nhiễm SARS-CoV-2. Trong số 6.172 người đang được điều trị tại các bệnh viện có 1.525 người đang trong tình trạng nguy kịch. Một nửa trong số các ca bệnh nặng này là những người dưới 60 tuổi.

Trong khi đó, tính đến ngày 21/3, số ca nhiễm SARS-CoV-2 ở Đức vượt quá 22.000 người, cụ thể đang là  22.040 người, và 83 trường hợp tử vong. Như vậy, Đức hiện là nước có số ca nhiễm nhiều thứ ba ở châu Âu, sau Italy và Tây Ban Nha.

Bang Bayern đã áp đặt tình trạng giới nghiêm bắt đầu từ ngày 21/3 và việc ra khỏi nhà phải có lý do hợp lệ, ngoại trừ đi làm, mua bán nhu yếu phẩm, gặp bác sĩ, chơi thể thao hoặc đi dạo (chỉ một mình hoặc với người sống cùng). Thủ đô Berlin từ chiều 21/3 đóng cửa các nhà hàng, cấm tụ tập trên 10 người; cấm bán hàng cho người ngoài tại các nhà ăn của các nhà máy, xí nghiệp,... (trừ mua mang đi). Bang Baden-Württemberg cấm tụ tập tại nơi công cộng trên 3 người, trừ trường hợp là gia đình. Bang Rheinland-Pfalz đóng cửa các nhà ăn và cấm tụ hội trên 5 người. Bang Niedersachsen đóng cửa các nhà hàng và quán cafe từ tối 21/3. Bang Hessen cấm tụ hội trên 5 người, trong khi bang Hamburg đóng cửa mọi nhà hàng, cấm tụ tập trên 6 người, trừ là người trong nhà hay nhóm làm việc.

Cùng ngày, Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã đạt thỏa thuận với các bệnh viện tư trong nước để tăng cường thêm hàng nghìn giường bệnh, máy thở và đội ngũ nhân viên y tế đi kèm để đối phó với dịch COVID-19. Đây là lần đầu tiên một thỏa thuận “trưng dụng” kiểu này được thực hiện tại Anh, đồng nghĩa với việc gần như toàn bộ năng lực của khu vực y tế tư nhân sẽ được tăng cường cho NHS. Theo đó, khoảng 8.000 giường bệnh, gần 1.200 máy thở cùng gần 20.000 nhân viên y tế thuộc các bệnh viện tư tại xứ England sẽ được bổ sung cho NHS từ đầu tuần tới, để tăng cường khả năng điều trị tích cực cho những ca bệnh nặng nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson đã buộc phải đưa ra những biện pháp mạnh mẽ hơn để đảm bảo sức khỏe cho người dân, ra lệnh tất cả các địa điểm giải trí công cộng như nhà hát, rạp chiếu phim, các nhà hàng, quán bar hay phòng tập gym ở nước này phải đóng cửa để phòng tránh sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp. Chính phủ Anh cũng đã thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ các trường học trên cả nước từ ngày 20/3 và xem xét phong tỏa một phần thủ đô London để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong khi Thị trưởng London cho biết hàng trăm người vô gia cư trong thành phố đã được đưa vào một số khách sạn  để tự cách ly. 

Ngày 21/3, Gruzia đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc do dịch bệnh COVID-19, cho phép chính phủ điều tiết giá cả thực phẩm và thuốc men nếu cần thiết. Tổng thống Salome Zurabishvili tuyên bố tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài trong một tháng.

Tính đến nay, quốc gia nằm bên bờ Biển Đen, với 3,7 triệu dân này đã ghi nhận 48 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và hiện có khoảng 2.000 người đang được cách ly.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/3, giới chức nước này đã triển khai thêm nhiều biện pháp chống dịch COVID-19, trong đó quyết định ngừng các chuyến bay tới 46 quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như cấm mọi hoạt động du lịch và ăn uống đông người trong bối cảnh số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này đã tăng gần gấp đôi mỗi ngày trong một tuần qua kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên. Tính đến ngày 20/3, đã có 9 ca tử vong trong tổng số 670 ca mắc COVID-19.

Cùng ngày, Bộ Y tế Thụy Sĩ thông báo, nước này đã ghi nhận 6.100 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 56 ca tử vong. Hà Lan cũng ghi nhận thêm 637 ca nhiễm mới, nâng tổng số người mắc lên 3.631 và thêm 30 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Hà Lan tính đến ngày 21/3 là 136 người.

Phan An  (TTXVN)
Dịch COVID-19 sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rời bỏ Trung Quốc?
Dịch COVID-19 sẽ khiến chuỗi cung ứng toàn cầu rời bỏ Trung Quốc?

Thị trường chứng khoán toàn cầu biến động mạnh do quan ngại về ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đối với môi trường kinh tế toàn cầu, trong đó tiêu điểm quan trọng nhất là thiệt hại đối với chuỗi cung ứng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN