Israel và Hezbollah chơi trò ‘ăn miếng trả miếng’ đầy rủi ro

Khi chiến tranh bùng nổ ở Gaza, một trận chiến khác đã diễn ra song song dọc biên giới phía Bắc của Israel với Liban - một "trò chơi" ăn miếng trả miếng đầy rủi ro đã gia tăng trong những tuần gần đây.

Chú thích ảnh
Israel có thể phải đối mặt với một cuộc chiến toàn diện thứ hai, chống lại kẻ thù mạnh hơn nhiều. Trong ảnh, tòa nhà bị phá hủy sau một cuộc không kích của Israel tại Shebaa, Liban, ngày 10/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Để đo lường nguy cơ nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cử một trong những trợ lý cấp cao của mình, Amos Hochstein, tới Israel hôm 17/6 và tới Liban ngày kế tiếp để thúc đẩy một giải pháp ngoại giao.

Không giống như Hamas - lực lượng dân quân Palestine chiến đấu với Israel ở Gaza, Hezbollah có quân đội là những chiến binh thiện chiến và nhóm này sở hữu tên lửa tầm xa, dẫn đường chính xác có thể tấn công các mục tiêu sâu bên trong Israel.

Bất chấp những nỗ lực của cả hai bên nhằm kiềm chế các chu kỳ tấn công và phản công không leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện, nhiều thường dân ở Israel và Liban đã thiệt mạng và hơn 150.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa dọc theo đường biên giới.

Tuy nhiên, khi cuộc đụng độ Israel – Hezbollah gia tăng trong những ngày gần đây, người ta cũng lo ngại rằng một tính toán sai lầm có thể khiến các bên rơi vào xung đột sâu sắc hơn. Hezbollah cho biết họ sẽ không đàm phán một thỏa thuận ngừng bắn cho đến khi Israel kết thúc chiến dịch quân sự ở Gaza – được cho là sẽ còn tiếp tục trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.

Một đối thủ được vũ trang mạnh hơn nhiều

Các quan chức quân sự Israel từ lâu đã dự đoán rằng các tay súng được đào tạo bài bản có thể một ngày nào đó tràn qua biên giới của họ, tiến tới các thị trấn và căn cứ quân sự, như Hamas đã làm vào ngày 7/10. Nhưng khi đó họ có xu hướng nhìn về phía bắc, lo sợ các chiến binh tinh nhuệ của Hezbollah hơn là các nhóm vũ trang Palestine tương đối yếu hơn.

Sau cuộc tấn công quá bất ngờ do Hamas dẫn đầu, quân đội Israel bắt đầu dồn lực lượng để bảo vệ biên giới phía bắc vì lo sợ Hezbollah sẽ nhân cơ hội tràn qua. Ngày 8/10/2023, Hezbollah bắt đầu tiến hành các cuộc tấn công vào miền Bắc Israel để thể hiện tình đoàn kết với người Palestine, khiến Israel phải phản công ở Liban.

Các nhà phân tích cho rằng Hezbollah hiện nay mạnh hơn nhiều so với năm 2006, thời điểm nhóm này tiến hành cuộc chiến lớn gần đây nhất với Israel. Cuộc chiến đó kéo dài khoảng 5 tuần, giết chết hơn 1.000 người Liban và hơn 160 người Israel, đồng thời khiến hơn một triệu người phải di dời. Nhưng các nhà phân tích đánh giá, một cuộc chiến giữa hai bên ngày nay có thể tàn phá cả Israel và Liban.

Assaf Orion, một thiếu tướng Israel đã nghỉ hưu cho biết, trong cuộc chiến năm 2006, Hezbollah đã bắn khoảng 4.000 quả rocket, chủ yếu vào miền Bắc Israel, trong vòng 5 tuần. Ông nói thêm rằng giờ đây nhóm này có thể bắn số tên lửa tương tự, bao gồm cả tên lửa hạng nặng gây thiệt hại nghiêm trọng, trên khắp Israel chỉ trong vòng một ngày.

Tướng Shlomo Brom, cựu chiến lược gia quân sự hàng đầu của Israel, cho biết số lượng đạn dược khổng lồ trong kho vũ khí của Hezbollah - đặc biệt là kho chứa thiết bị bay không người lái - có thể áp đảo hệ thống phòng không của Israel trong trường hợp xảy ra chiến tranh toàn diện. Quân của Hezbollah cũng là những chiến binh giàu kinh nghiệm; nhiều người trong số họ đã chiến đấu trong cuộc nội chiến ở Syria.

Tướng Brom cho biết: “Trong một cuộc chiến không giới hạn, sẽ có sự tàn phá lớn hơn cả ở mặt trận và sâu hơn bên trong Israel”. Ông nói thêm: “Họ có khả năng nhắm mục tiêu ít nhiều vào bất kỳ nơi nào ở Israel và sẽ nhắm vào các mục tiêu dân sự, giống như chúng tôi sẽ nhắm mục tiêu vào miền nam Beirut” – ám chỉ các quận thủ đô được coi là thành trì của Hezbollah.

Đối với Hezbollah, một sự leo thang lớn cũng có tác động tương tự. Nền kinh tế Liban đã suy thoái từ trước cuộc khủng hoảng hiện nay, và nhiều người dân không mong muốn tái diễn cuộc chiến 2006. Hơn nữa, các nhà phân tích cho rằng Iran, thân Hezbollah, có thể không quan tâm đến việc leo thang căng thẳng vào lúc này, mà muốn triển khai lực lượng thân mình vào thời điểm thích hợp hơn.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên từ ngoại ô thị trấn Katzrin thuộc Cao nguyên Golan sau cuộc tấn công bằng rocket của lực lượng Hezbollah ở Liban, ngày 2/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuần trước, một cuộc tấn công của Israel đã giết chết chỉ huy cấp cao của Hezbollah, Taleb Abdallah, khiến Hezbollah tăng cường tấn công vào Israel để trả đũa. Trong vài ngày tiếp theo, Hezbollah đã bắn hàng trăm quả tên lửa và phóng UAV vào Israel trong các cuộc tấn công phối hợp, làm bị thương một số binh sĩ và dân thường.

“Cả hai bên liên tục thách thức ranh giới đỏ của nhau. Hiện tại có vẻ như không bên nào muốn chiến tranh toàn diện. Nhưng họ có thể dễ dàng vấp phải nó, ngay cả khi đó không phải là thứ họ muốn”, Tướng Orion nhận định.

Bất chấp rủi ro, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong nước nhằm tăng cường chiến dịch quân sự của nước này chống lại Hezbollah. Sau vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoái, Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, đã tán thành một cuộc chiến phủ đầu ở Liban nhưng đã bị bác bỏ. Và ngày 18/6, quân đội Israel thông báo rằng các chỉ huy hàng đầu đã phê duyệt kế hoạch hoạt động cho một cuộc tấn công tiềm năng ở Liban, nhưng không nêu rõ khi nào hoặc liệu các kế hoạch này có được sử dụng hay không.

Theo thống kê của Liên hợp quốc và chính phủ Israel, kể từ tháng 10/2023, hơn 80 thường dân Liban và 11 thường dân ở Israel đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh. Khoảng 300 chiến binh Hezbollah thiệt mạng, cùng với ít nhất 17 binh sĩ Israel.

Nỗ lực ngoại giao của Mỹ

Ông Hochstein, cố vấn cấp cao của Tổng thống Biden, đã gặp các quan chức cấp cao của Liban ở Beirut để thúc đẩy giải pháp ngoại giao vào ngày 18/6, một ngày sau cuộc gặp với ông Netanyahu ở Jerusalem.

Chú thích ảnh
Khói bốc lên sau một cuộc không kích của Israel tại Wadi Gilo, Liban, ngày 6/6/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Israel đã yêu cầu Hezbollah rút lực lượng về phía Bắc sông Litani ở Liban, phù hợp với nghị quyết của Hội đồng Bảo an chấm dứt cuộc chiến năm 2006 - một yêu cầu mà Hezbollah khó có thể thực hiện. Nghị quyết quy định rằng chỉ có lực lượng Liên hợp quốc và Quân đội Liban mới được phép vào khu vực này, nhưng cả hai bên đều cáo buộc bên kia vi phạm.

Khi ở Beirut, ông Hochstein không gặp các thủ lĩnh của Hezbollah, nhóm mà Mỹ và Liên minh châu Âu coi là tổ chức khủng bố. Thay vào đó, ông gặp gỡ các thành viên chính phủ Liban - bao gồm cả Thủ tướng Najib Mikati, người có ảnh hưởng hạn chế đối với Hezbollah.

Ông Hochstein nói với các phóng viên ở Beirut: “Tình hình rất nghiêm trọng. Chúng ta đã chứng kiến ​​sự leo thang trong vài tuần qua và điều mà Tổng thống Biden muốn làm là tránh leo thang thêm thành một cuộc chiến lớn hơn.”

Đối với những thường dân Liban có nhà nằm dọc biên giới và đa số đã phải di dời vì bạo lực, chuyến thăm của ông Hochstein chỉ mang đến một tia hy vọng mong manh rằng cuộc giao tranh có thể sớm kết thúc.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New York Times)
Thủ lĩnh Hezbollah cảnh báo tấn công CH Síp nếu hỗ trợ Israel
Thủ lĩnh Hezbollah cảnh báo tấn công CH Síp nếu hỗ trợ Israel

Thủ lĩnh Hezbollah, ông Sayyed Hassan Nasrallah, đã cảnh báo rằng CH Síp có thể trở thành mục tiêu nếu nước này cho phép Israel sử dụng lãnh thổ trong bất kỳ cuộc xung đột nào.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN