Quân đội Israel ngày 26/12 đã công bố việc thành lập lữ đoàn thứ ba để tăng cường cho sư đoàn miền Nam của nước này đang triển khai dọc biên giới với Ai Cập.
Trong một buổi lễ tổ chức tại căn cứ ở ngoại ô thành phố cảng Eilat bên bờ Biển Đỏ, các quan chức cấp cao thuộc Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết vào tháng tới sẽ hoàn tất việc thiết lập hàng rào công nghệ cao dọc đường biên giới dài 240 km với Ai Cập.
Israel xây dựng tường an ninh dọc theo biên giới với Ai Cập. Ảnh: Internet. |
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Phương Nam Tal Russo tuyên bố IDF đang điều chỉnh "khái niệm tác chiến" nhằm đối phó với hàng loạt mối đe dọa mới, trong đó có việc gia tăng các vụ đột kích qua biên giới cũng như các cuộc tấn công bằng rốckét của các chiến binh đóng căn cứ tại bán đảo Sinai nhằm vào thường dân và binh sĩ Israel tăng cường an ninh dọc biên giới Ai Cập . Theo ông Russo, việc tăng mạnh các cuộc tuần tra và giám sát điện tử trên biên giới tại khu vực phụ cận Êilát đã "làm giảm đáng kể hoạt động thâm nhập dọc biên giới". Hệ thống rađa và ăngten cảm biến rung có tác dụng báo hiệu cho các sĩ quan trực chiến nhận biết vị trí xảy ra vụ thâm nhập. Một hệ thống tương tự cũng được triển khai dọc biên giới Israel với Dải Gaza, Libăng và Syria.
Kể từ khi cựu Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak bị lật đổ năm 2011, làn sóng tấn công nhằm vào binh sĩ và dân thường ở khu vực dọc biên giới với Israel tăng mạnh. Tháng Tám năm ngoái, một vụ tấn công khủng bố xảy ra ở khu vực biên giới này khiến 8 người Ixraen thiệt mạng và một tháng sau đó, binh sĩ Israel lại chịu tổn thất lớn sau khi lọt vào ổ phục kích của một nhóm vũ trang.
* Truyền thông Israel cùng ngày đưa tin Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Quốc vương Jordan Abdullah vừa qua đã có cuộc thảo luận bí mật tại Amman nhằm tăng cường hợp tác trước nguy cơ số vũ khí hóa học ở Syria lọt vào tay các nhóm Hồi giáo cực đoan. Israel lâu nay vẫn lo ngại kho vũ khí hóa học ở Syria, đất nước đang xảy ra bạo loạn, có thể trở nên nguy hiểm khi rơi vào tay các nhóm vũ trang Hồi giáo hay các tay súng Hezbollah ở Libăng và đã lên tiếng cảnh báo sẽ can thiệp nếu nhận thấy "kịch bản" này có nguy cơ xảy ra thực sự.
* Trong khi đó, việc Tel Aviv áp dụng một loạt biện pháp trừng phạt nhằm chống lại "nỗ lực đấu tranh giành độc lập" của Palestin đang khiến Palestin đối mặt với tình trạng khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất kể từ năm 1994 trong bối cảnh viện trợ nước ngoài sụt giảm mạnh.
Sau khi Palestin được nâng cấp lên quy chế nhà nước phi thành viên tại Liên hợp quốc (LHQ) vào ngày 29/11 vừa qua, Israel đáp trả bằng cách giữ lại gần 1 tỷ USD tiền thu nhập từ thuế của Chính quyền Dân tộc Palestin (PNA) đến cuối năm mới hoàn trả. Giới chức Palestin cho rằng biện pháp phi pháp này đã làm cho cuộc khủng hoảng tài chính mà PNA phải hứng chịu tăng lên gấp đôi. Trong thời gian gần đây PNA buộc phải đi vay ngân hàng để thanh toán tiền lương cho cán bộ công nhân viên, song số tiền này hiện đã lên tới 7,5 tỷ USD. PNA đang trông chờ vào khoản vay 100 triệu USD/tháng mà Liên đoàn Arập đã cam kết. Trong khi đó, Phòng trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gada cũng phải nếm "trái đắng" từ lệnh phong tỏa của Israel. Ngân sách của Hamas chỉ còn khoảng gần 800 triệu USD trong khi các khoản viện trợ nước ngoài đang giảm mạnh. Hamas đang phải vật lộn tìm nguồn thu để trả lương 42 nghìn nhân viên chính thức và hơn 5 nghìn nhân viên hợp đồng.
TTXVN/Tin tức