Tình hình ngày càng nóng
Chuỗi vụ nổ máy nhắn tin xảy ra vào chiều 17/9 và kéo dài trong khoảng một tiếng đồng hồ. Bộ trưởng Y tế Liban Firass Abiad cho biết có khoảng 2.750 người bị thương, với các vết thương chủ yếu ở mặt, tay và bụng. Có 26 người tử vong, trong đó bao gồm 2 trẻ em. Đại sứ Iran tại Liban – ông Mojtaba Amani, cũng bị thương trong vụ nổ.
Đến ngày hôm sau, hàng loạt bộ đàm tại Liban phát nổ khiến 14 người chết và 450 người bị thương. Hezbollah lập tức cáo buộc Israel đứng sau các cuộc tấn công này đồng thời tuyên bố sẽ đáp trả. Tuy nhiên, quân đội Israel vẫn chưa phản hồi cáo buộc.
Ngày 18/9, lực lượng Hezbollah tuyên bố đã tấn công bằng rocket vào các tiền đồn của Israel ở khu vực biên giới giáp Liban. Đến 20/9, Isreal đã không kích nhằm vào một tòa nhà dân sự ở ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban. Bộ Y tế Liban cho biết có 14 người thiệt mạng trong vụ không kích này. Sau đó, Hezbollah xác nhận chỉ huy cấp cao Ibrahim Aqil của lực lượng này nằm trong số người tử vong do vụ không kích của Israel.
Dưới đây là video về hiện trường vụ không kích của Israel tại Beirut ngày 20/9 (nguồn: Reuters):
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant khẳng định, các hoạt động trong “giai đoạn mới của cuộc chiến” sẽ tiếp tục cho đến khi Tel Aviv đạt được mục tiêu đảm bảo người dân ở miền Bắc Israel quay trở về nhà an toàn. Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục truy đuổi kẻ thù để bảo vệ công dân Israel, ngay cả ở Dahiyeh tại Beirut”.
Từ tháng 10/2023 đến nay, các cuộc tấn công của Hezbollah chủ yếu chỉ giới hạn ở miền Bắc Israel, nhưng đã khiến khoảng 60.000 cư dân Israel phải di dời khỏi khu vực biên giới. Những người này đã yêu cầu chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hành động để buộc Hezbollah rút khỏi biên giới.
Năng lực của IDF
Hầu hết các chuyên gia quân sự đều cảnh báo không nên chọn chiến đấu trên hai mặt trận cùng thời điểm. Cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã quyết định đưa quân đến Iraq vào năm 2003 khi cuộc chiến ở Afghanistan vẫn chưa kết thúc. Kết quả là quân đội Mỹ phải trả giá đắt cho chiến dịch quân sự ở cả hai quốc gia này.
Tuy nhiên, cựu lãnh đạo tình báo Israel - ông Tamir Hayman - chia sẻ với tờ Foreign Policy rằng Israel có thể xử lý được hai, thậm chí ba mặt trận cùng một lúc. Nhưng ông nhấn mạnh: “Vấn đề không phải là Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), vấn đề là hậu phương. Là thiệt hại cho xã hội Israel và khả năng phục hồi của xã hội Israel. Hai mặt trận không phải là vấn đề quân sự. Đó là vấn đề về mặt xã hội, khả năng phục hồi và bảo vệ hậu phương”.
Ngoài ra, ông Tamir Hayman cũng lưu ý rằng Hezbollah có hỏa lực gấp 10 lần và khả năng trên bộ gấp đôi Hamas, trang thiết bị tốt hơn nhiều. Ông nêu bật: “Đây là một quy mô khác, gần với quân đội chính quy hơn”.
Hezbollah ước tính có khoảng 150.000 tên lửa và rocket, bao gồm một số tên lửa có thể đi sâu vào lãnh thổ Israel. Mặc dù hệ thống phòng không Vòm Sắt (Iron Dome) của Israel đã thành công đáng kể trong việc vô hiệu hóa mối đe dọa rocket từ Gaza, nhưng nó có nguy cơ không hoạt động hiệu quả trước một loạt tên lửa tinh vi hơn trên diện rộng. Israel cần sự giúp đỡ từ Mỹ, Anh, Pháp và Jordan để chống lại một cuộc tấn công trực tiếp từ Iran vào tháng 4, khi 150 tên lửa và 170 thiết bị bay không người lái cùng tiến đến.
Vào tháng 10/2023, người phát ngôn của IDF - Chuẩn đô đốc Daniel Hagari - khẳng định Israel có thể chiến đấu trên hai mặt trận với Hamas và Hezbollah. Nhưng theo truyền thông Israel, cả quân đội nước này và Mỹ đều có mục tiêu tránh chiến tranh trên nhiều mặt trận.
Sau nhiều tháng chiến dịch ở Gaza và giao tranh với Hezbollah, nếu chiến tranh nổ ra trong những ngày tới, có vẻ như IDF có thể không đạt được sức mạnh tối đa.
Ngoài ra, còn có một bài toán hóc búa cho Israel là nên huy động bao nhiêu quân cho một cuộc tấn công vào Gaza và nên giữ lại bao nhiêu quân để bảo vệ khu vực phía Bắc? Sau khi triệu tập thêm 300.000 quân dự bị và vốn có khoảng 170.000 quân nhân thường trực, Israel có gần nửa triệu quân có thể phân bổ cho hai mặt trận.
Nhưng quan chức cũng sẽ cân nhắc cẩn thận về việc liệu họ có thể triển khai binh sĩ ở Bờ Tây hay không, nơi đã ghi nhận làn sóng bạo lực tồi tệ nhất giữa người Israel và người Palestine trong hai thập niên.
Theo tờ Telegraph (Anh), ngay cả với sự hỗ trợ của Mỹ, việc đồng thời xử lý xung đột ở Gaza và bảo vệ miền Bắc sẽ là một nhiệm vụ to lớn mà IDF chưa từng phải đối mặt trước đây. Đằng sau cánh cửa đóng kín, lãnh đạo Israel có lẽ hy vọng rằng họ sẽ không bao giờ phải làm như vậy.
Cả Israel và Hezbollah đều có những lý do để không tham gia chiến tranh ở thời điểm này. Các chỉ huy của IDF cũng hiểu rằng xung đột trên bộ với Hezbollah có thể khiến Israel phải trả giá đắt về mạng sống người dân. Bên cạnh đó, mặc dù xe tăng Israel đã được nâng cấp nhưng chúng vẫn khá yếu thế trước các vụ tấn công du kích.
Các lãnh đạo Hezbollah cũng có tài sản về chính trị và kinh tế cần bảo vệ tại Liban, trong khi đó, xung đột với Israel có thể kéo theo thiệt hại nặng nề. Tuy cả Israel và Hezbollah đều không muốn chiến tranh toàn diện ngay bây giờ, nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ không xảy ra bởi nguy cơ tính toán sai lầm luôn cao.
Kịch bản về một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Israel và Hezbollah gây lo ngại lớn đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là ở phương Tây. Hậu quả của một cuộc chiến như vậy có thể dẫn đến tăng gián đoạn chuỗi cung ứng và thương mại, đẩy giá nhiên liệu lên cao và gây thiệt hại cho du lịch trong khu vực. Ngoài ra, kịch bản này sẽ tạo ra một làn sóng người tị nạn mới mà các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ hoặc các thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ phải đối phó.