Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, Chuẩn tướng Daniel Hagari, người phát ngôn của quân đội Israel, cho biết trong số những người bị bắt giữ có 3 chỉ huy quân sự cấp cao của phong trào Hồi giáo Jihad, các chỉ huy và hai nhân vật cấp cao của Hamas chịu trách nhiệm về các hoạt động ở Bờ Tây, cùng một số nhân vật phụ trách an ninh nội bộ của Hamas.
Quân đội Isarel đã đột kích vào bệnh viện Al Shifa ở thành phố Gaza vào sáng 18/3 vừa qua và lục soát toàn bộ khu vực bệnh viện này, nơi mà phía Israel cho là được kết nối với một hệ thống đường hầm mà các chiến binh Palestine sử dụng làm căn cứ. Ông Hagari cho biết trong cuộc đột kích này, trên 500 người đã bị bắt giữ, trong đó có 358 thành viên của phong trào Hamas và Hồi giáo Jihad. Đây là con số lớn nhất kể từ khi xung đột nổ ra cách đây gần 6 tháng.
Các phong trào Hamas và Hồi giáo Jihad chưa có bình luận gì về thông tin trên.
Al Shifa là bệnh viện lớn nhất ở Gaza trước khi xung đột nổ ra và hiện là một trong những cơ sở y tế còn hoạt động ở phía Bắc vùng lãnh thổ này. Tháng 11/2023, cuộc đột kích đầu tiên của Israel vào bệnh viện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ. Phía Israel cho rằng tại đây, có những đường hầm kết nối với cac trung tâm chỉ huy của Hamas, trong khi phong trào Hamas và các nhân viên y tế đã bác thông tin bệnh viện được dùng cho mục đích quân sự hay là nơi trú ẩn của các chiến binh.
Cùng ngày, Anh và Australia đã nhấn mạnh sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Dải Gaza trong bối cảnh sức ép ngoại giao gia tăng đối với kế hoạch tấn công của Israel nhằm vào thành phố Rafah, phía Nam vùng lãnh thổ này.
Trong tuyên bố chung tại Adelaide (Australia), các ngoại trưởng và bộ trưởng hai nước đã nhấn mạnh việc cần phải đặt được một lệnh ngừng bắn ngay lập tức tại Gaza nhằm tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ và thả con tin. Theo những quan chức này, đây là bước đi chủ chốt hướng tới một lệnh ngừng bắn bền vững và lâu dài tại Gaza.
Lời kêu gọi trên được đưa ra chỉ vài giờ trước khi Mỹ đệ trình một nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh đến sự cần thiết của một lệnh ngừng bắn ngay lập tức.
Trong diễn biến khác, Bộ trưởng Ngoại thương và Phát triển Phần Lan Ville Tavio ngày 22/3 thông báo nước này sẽ nối lại tài trợ cho Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của Liên hợp quốc (UNRWA).
Trước đó, một số nước trong đó có Mỹ, Anh, Italy, Đức, Australia, Nhật Bản… đã quyết định tạm dừng tài trợ cho UNRWA, sau những cáo buộc về việc nhân viên của cơ quan này có liên quan đến các cuộc tấn công của Hamas nhằm vào Israel ngày 7/10/2023.
Tại họp báo, ông Tavio nhấn mạnh UNRWA đang cải thiện cách quản lý rủi ro, ngăn chặn và bắt đầu giám sát chặt chẽ những hành vi sai lệch trong nội bộ cơ quan này, qua đó đưa ra đảm bảo cần thiết để Phần Lan tiếp tục tài trợ cho UNRWA. Bộ trưởng Tavio nêu rõ một phần trong số tiền tài trợ của Phần Lan sẽ dành cho việc quản lý rủi ro.
Cho đến nay, Canada, Australia và Thụy Điển đã nối lại tài trợ cho UNRWA, trong khi một số nước vùng Vịnh như Saudi Arabia đã tăng viện trợ cho cơ quan này.