IS không thể "ra đòn" tấn công nước Mỹ

Phát biểu tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia ngày 22/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng không thể "ra đòn" tấn công nước Mỹ và tổ chức khủng bố này sẽ bị tiêu diệt.


Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định sẽ tiêu diệt IS. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu ngay khi kết thúc chuyến thăm châu Á sau khi tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hội nghị Cấp cao Đông Á và các hội nghị liên quan, Tổng thống Mỹ cho rằng những phản ứng thái quá của các nước đối với các vụ tấn công của nhóm khủng bố cưu đoan tại Paris, Pháp hôm 13/11 vừa qua có thể sẽ mang lại kết quả không mong muốn, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ không nên để "bóng ma" khủng bố làm sợ hãi và ảnh hưởng đến những giá trị hoặc thay đổi cách sống.

Ông Obama cũng kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới nên gửi đến IS thông điệp rằng bản chất xấu xa của những kẻ giết người sẽ không thể ngăn thể giới khỏi cuộc sống bình thường.

Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, đề cập đến kế hoạch chống IS của Tổng thống Obama, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ, Nghị sỹ đảng Dân chủ Dianne Feinstein cho biết Mỹ chưa làm hết khả năng để chống IS và nhóm khủng bố này đã ngày càng mạnh hơn ở bên ngoài Iraq và Syria. Bà cho biết hồi tuần trước Ngoại trưởng John Kerry đã trình bày trước Ủy ban Tình báo một kế hoạch tổng thể hơn về chiến lược của Mỹ chống IS, trong đó có bao gồm các nỗ lực ngoại giao giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS, bà Feinstein cho biết cách tiếp cận của Mỹ như vậy là không hiệu quả, đồng thời lên tiếng chỉ trích quyết định cử 50 lính đặc nhiệm Mỹ tới Syria sẽ không giải quyết được vấn đề. Bà chủ trương ủng hộ quy mô lớn hơn với kế hoạch cử nhiều lực lượng đặc nhiệm hơn tới Syria, đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm nước Mỹ cần phải tấn công IS.

Lấy ví dụ điển hình là các vụ tấn công tại Paris khiến 130 người thiệt mạng hôm 13/11, bà cho rằng phạm vi hoạt động của IS đã lan rộng, nếu Washington không hành động, tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn.

Cùng quan điểm với bà Dianne Feinstein, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes cho rằng chiến lược chống IS của Tổng thống Obama chỉ giống một chính sách ngăn chặn. Phát biểu trên kênh truyền hình CNN, Hạ nghị sỹ này cho biết chiến lược của Mỹ nên được mở rộng trước mối đe dọa toàn cầu của nhóm khủng bố nói trên.

* Tổng thống Al-Assad tuyên bố giành thắng lợi trên nhiều mặt trận


Tổng thống Syria Bashar al-Assad ngày 22/11 tuyên bố các lực lượng của chính phủ đang giành thắng lợi tại “hầu khắp” các mặt trận nhờ vào các cuộc không kích của Nga trong gần hai tháng qua và "cán cân lợi thế" đang nghiêng về phía quân đội chính phủ ở nhiều vùng trên cả nước.

Trong cuộc phỏng vấn được kênh truyền hình Phoenix Television của Trung Quốc, Tổng thống al-Assad cho biết sau khi không quân Nga tham gia cuộc chiến chống khủng bố tại Syria, tình hình đã được cải thiện đáng kể. Quân đội Syria hiện đang áp sát trên hầu khắp mọi mặt trận. Theo ông Assad, quân đội Syria mở rộng chiến thắng ra nhiều khu vực là nhờ việc “Nga hợp tác với chính phủ Syria”. Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch không kích, quân đội Syria đã giành lại hàng chục ngôi làng ở miền Bắc và Tây đất nước. Chiến thắng lớn nhất cho đến nay của lực lượng Syria là phá vỡ vòng vây của phiến quân IS quanh căn cứ không quân Kweiras ở tỉnh Aleppo, miền Bắc Syria.

Tổng thống Syria nêu rõ các cuộc không kích của Nga hiệu quả hơn so với chiến dịch không kích do Mỹ dẫn đầu bởi Nga đang phối hợp với Chính phủ Syria. Nhà lãnh đạo Syria cũng nhấn mạnh “không thể chống khủng bố bằng các cuộc không kích đơn độc”.

Nga bắt đầu chiến dịch không kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria từ cuối tháng 9 năm nay, và gia tăng hoạt động này trong những ngày vừa qua sau khi Moskva xác nhận vụ máy bay Nga rơi ở Bán đảo Sinai, Ai Cập làm toàn bộ 224 người thiệt mạng, là do khủng bố đánh bom. IS đã nhận thực hiện vụ tấn công này.

Khi được hỏi liệu ông có ra tranh cử tổng thống một lần nữa nếu cuộc bầu cử trước thời hạn được tổ chức, Tổng thống Assad tuyên bố “còn quá sớm để ông đưa ra quyết định có tranh cử hay không”, đồng thời để ngỏ khả năng này. Kế hoạch hòa bình về Syria được thông qua tại Hội nghị ở Vienna (Áo) hồi tuần trước không đề cập tương lai của Tổng thống Al-Assad, mà chỉ nêu rõ “cuộc bầu cử tự do và công bằng sẽ được tổ chức (ở Syria) theo quy định của Hiến pháp mới trong vòng 18 tháng”. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, kế hoạch bầu cử sẽ chỉ bắt đầu được xúc tiến chừng nào đại diện của Chính quyền al-Assad và các lực lượng đối lập ngồi vào đàm phán về một bản hiến pháp mới. Và cuộc bầu cử sớm (nếu có) sẽ bầu ra một quốc hội mới, nhưng không nhất thiết phải bầu một tổng thống mới.

TTXVN/Tin Tức
Nga, phương Tây xích lại gần nhau chống IS
Nga, phương Tây xích lại gần nhau chống IS

Nga và phương Tây đang xích lại gần nhau hơn trong cuộc chiến chống tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng cũng như các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc xung đột ở Syria.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN