Đề nghị được nêu ra trong cuộc điện đàm giữa ông Mahdi với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một ngày trước đó.
Tuyên bố cho biết, trong cuộc điện đàm, Thủ tướng tạm quyền Mahdi đã đề nghị các phái đoàn đàm phán cần có mặt tại Iraq để thiết lập các cơ chế thực thi nghị quyết đã được Quốc hội Iraq thông qua, trong đó yêu cầu các lực lượng nước ngoài rút khỏi quốc gia vùng Vịnh này.
Hiện có khoảng 5.200 binh sĩ Mỹ đồn trú tại các căn cứ quân sự ở Iraq nhằm hỗ trợ các lực lượng địa phương ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Lực lượng này nằm trong liên quân do Mỹ đứng đầu, được phía Iraq đề nghị hỗ trợ trong cuộc chiến chống các phần tử thánh chiến. Sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Iraq căn cứ theo thỏa thuận giữa chính phủ hai nước mà không được Quốc hội Iraq phê chuẩn.
Tuy nhiên, ngày 5/1, Quốc hội Iraq đã thông qua nghị quyết, trong đó nhấn mạnh chính phủ nước này phải chấm dứt sự hiện diện của binh sĩ nước ngoài tại Iraq và đảm bảo rằng quân đội nước ngoài không sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do gì.
Quốc hội Iraq thông qua nghị quyết trên sau khi lực lượng Mỹ ngày 3/1 tiến hành không kích vào sân bay quốc tế ở thủ đô Baghdad, làm Tư lệnh đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Tướng Qassem Soleimani và chỉ huy lực lượng dân quân Hashed al-Shaabi của Iraq, al-Husssaini thiệt mạng.
Thủ tướng tạm quyền Mahdi nêu rõ, cuộc không kích sân bay Baghdad là một hành động gây hấn nhằm vào Iraq và vi phạm chủ quyền nước này, sẽ dẫn tới nguy cơ chiến tranh tại Iraq, trong khu vực cũng như trên thế giới. Ông Mahdi cũng nói thêm rằng cuộc tấn công này vi phạm các điều kiện đối với sự hiện diện của Mỹ tại Iraq và cần phải được xử lý bằng luật pháp để đảm bảo an ninh và chủ quyền.