Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp bất thường về vụ tấn công, Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran đã nhận định việc Mỹ tấn công nhằm vào Thiếu tướng Soleimani tại Baghdad (Iraq) là sai lầm lớn nhất của Washington tại Tây Á, đồng thời cảnh báo Mỹ sẽ không dễ dàng tránh được hậu quả của sự tính toán sai lầm này.
Hội đồng An ninh quốc gia tối cao Iran đã miêu tả Thiếu tướng Soleimani là một "vị tướng xuất sắc", "không chỉ là niềm tự hào của người dân Iran, mà còn toàn bộ người Hồi giáo và những người bị áp bức... trên toàn thế giới". Theo hội đồng, dù đây là "mất mát lớn", song vai trò của ông sẽ được kế nhiệm bởi vị tướng khác.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết Iran đã lần thứ hai triệu Đại biện lâm thời của Mỹ tại Thụy Sĩ để đưa ra phản hồi cho thông điệp của Mỹ. Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi nhà ngoại giao này chuyển lời nhắn của Washington về vụ tấn công Thiếu tướng Soleimani.
Trong ngày 3/1, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman Al Saud đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, thảo luận về các biện pháp duy trì hòa bình và sự ổn định tại khu vực Trung Đông. Tại cuộc điện đàm, hai bên cũng nhấn mạnh tới những diễn biến mới nhất tại Iraq. Theo truyền thông Saudi Arabia, nước này đã kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng sau vụ việc Thiếu tướng Qasem Soleimani của Iran thiệt mạng trong một vụ tấn công của Mỹ tại Iraq.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrel ngày 3/1 cảnh báo rằng vòng xoáy bạo lực đang diễn ra ở Iraq cần phải được ngăn chặn trước khi "vượt khỏi tầm kiểm soát". Tuyên bố của ông Borrel nêu rõ: "EU kêu gọi tất cả các bên liên quan và những đối tác có tầm ảnh hưởng cùng hành động để hạn chế tối đa căng thẳng và thể hiện trách nhiệm trong thời điểm quan trọng này. Một cuộc khủng hoảng khác có nguy cơ lảm xói mòn những nỗ lực ổn định tình hình tại Iraq vốn đã được thực hiện trong hàng năm qua. Thêm vào đó, sự leo thang căng thẳng hiện nay cũng đang đe dọa toàn bộ khu vực, nơi đã phải gánh chịu nhiều sự tàn phá vô cùng nặng nề và người dân xứng đáng được sống trong hòa bình".
Trước đó, nhiều nước cũng đã lên tiếng chỉ trích vụ không kích của Mỹ, coi đây là hành động vi phạm chủ quyền của Iraq và đẩy khu vực Trung Đông vào tình thế nguy hiểm.
Trong một diễn biến liên quan, quân đội liên bang Đức đã ngừng công tác huấn luyện cho lực lượng an ninh của chính phủ và người Kurd ở Iraq sau vụ người đứng đầu đơn vị Quds thuộc Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) - Thiếu tướng Qasem Soleimani bị sát hại.
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, Bộ Chỉ huy các chiến dịch hỗn hợp của quân đội Đức đã thông báo quyết định trên với các nghị sĩ thuộc Ủy ban quốc phòng Quốc hội Đức tối 3/1. Một quyết định liên quan trước đó nhằm bảo vệ lực lượng của các nước đã được đưa ra tại đại bản doanh của liên minh chống tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Trong khi đó, các biện pháp an ninh ở khu vực miền Trung Iraq đã được tăng cường, khu vực đại bản doanh của liên minh quân sự chống IS cũng hạn chế các hoạt động ở mặt đất và trên không. Trong số binh sĩ Đức làm nhiệm vụ tại Iraq có gần 90 người làm nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng an ninh ở khu vực người Kurd tại miền Bắc Iraq. Ngoài ra còn có khoảng 30 binh sĩ làm nhiệm vụ huấn luyện cho lực lượng an ninh Iraq ở khu vực cách Baghdad khoảng 30km. Hiện Đức có 415 binh sĩ phục vụ cho sứ mệnh quốc tế chống IS.
Trước đó, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng vụ tấn công quân sự của Mỹ được tiến hành tiếp sau "một loạt hành động gây hấn nguy hiểm" của Iran. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh hành động tấn công này không thể giúp giảm căng thẳng. Theo ông, điều quan trọng lúc này là ngăn chặn leo thang. Đức sẽ phối hợp cùng Anh, Pháp để tìm ra cách thức làm dịu tình hình hiện nay.