Ngày 30/11, Hãng thông tấn IRNA của Iran dẫn tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Iran phụ trách các vấn đề chính trị Abbas Araqchi cho biết sự kiên nhẫn của Tehran là có giới hạn và nước này sẽ không thể cứ đợi chờ việc EU thiết lập một cơ chế hỗ trợ hoạt động giao thương song phương khi các biện pháp trừng phạt của Mỹ đang gia tăng sức ép lên nền kinh tế Iran.
Ông Araqchi tuyên bố Tehran sẽ đưa ra những quyết định cần thiết vào thời điểm thích hợp.
Quan chức Iran cũng nói thêm rằng nước này thừa nhận mức độ nghiêm trọng từ việc Mỹ gia tăng sức ép đối với châu Âu và sự tồn tại những trở ngại kỹ thuật và pháp lý trong tiến trình này, đồng thời cho biết người châu Âu đang cố gắng để loại bỏ những trở ngại đó.
Theo Thứ trưởng Araqchi, các nước EU đã thể hiện ý chí chính trị mong muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng Brussels đang tìm cách trì hoãn việc phát triển các kế hoạch hành động có thể đảm bảo những lợi ích kinh tế của Iran trong thỏa thuận hạt nhân.
Theo thỏa thuận hạt nhân lịch sử mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký giữa Tehran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, các lệnh trừng phạt Iran được dỡ bỏ đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân.
Tuy nhiên, ngày 7/8 vừa qua, Mỹ đã áp đặt trở lại một loạt biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Iran, sau khi Tổng thống Trump hồi tháng 5 tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này, cho đây là "một thỏa thuận phiến diện, không đáp ứng mục đích căn bản ngăn chặn Iran phát triển bom nguyên tử".
Các động thái này của Mỹ đã khiến nền kinh tế Iran trì trệ, đồng rial của Iran đã mất một nửa giá trị. Một loạt công ty quốc tế, trong đó có các tập đoàn Total, Peugeot và Renault của Pháp, cũng như tập đoàn Siemens và Daimler của Đức đã ngừng hoạt động tại Iran.
Cả Air France và British Airways đều đã thông báo ngừng các chuyến bay đến Tehran từ tháng 9 tới. Mới đây nhất tại cuộc họp lần thứ 4 trong khuôn khổ Đối thoại chính trị cấp cao tại Brussels (Bỉ) ngày 28/11, Iran và Liên minh châu Âu (EU) một lần nữa tái khẳng định quyết tâm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân này.