Iran khẳng định vụ thử tên lửa không nhằm thách thức Mỹ

Ngày 6/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Bahram Qasemi khẳng định mục đích vụ phóng thử tên lửa gần đây của Tehran không phải để gửi một thông điệp đến tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm thách thức nhà lãnh đạo này.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Iran, ông Bahram Qasemi. Ảnh: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Tasnim dẫn lời ông Qasemi nhấn mạnh: "Vụ thử tên lửa của Iran không phải là một thông điệp gửi đến chính quyền mới của Mỹ. Không cần phải thử thách ông Trump khi trong những ngày qua, chúng ta đã thấy quan điểm của ông ấy trong nhiều vấn đề...Chúng tôi biết ông ấy khá rõ".

Trước đó, phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Quốc hội Iran Ali Larijani khẳng định nước này đang hành xử có trách nhiệm trong các vấn đề khu vực và thế giới.

"Chúng tôi đã cho thấy cách hành xử hợp lý trong cả các vấn đề khu vực và quốc tế. Các quyết định mà chúng tôi đưa ra đều được tính toán kỹ", Chủ tịch Quốc hội Iran tuyên bố.

Trong khi đó, Giáo sĩ hàng đầu của Iran, Ahmad Khatami cho rằng vụ thử tên lửa mới đây của nước này không vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, văn bản đã được nêu trong thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc. Giáo sĩ Ahmad Khatami khẳng định việc khôi phục các lệnh trừng phạt sẽ là hành động vi phạm thỏa thuận hạt nhân.

Tuần trước, Iran đã tiến hành một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo, dẫn đến việc chính quyền Washington áp đặt một số biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Tehran. Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump cho rằng Tehran "đang đùa với lửa".

Cùng ngày 6/2, người phát ngôn của Thủ tướng Anh cho biết, Thủ tướng Anh Theresa May đã nói với người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu tại cuộc gặp ở London rằng nước Anh ủng hộ thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và nhóm P5+1, tuy nhiên cần phải cảnh giác với mô hình của Iran về hành vi gây mất ổn định trong khu vực.

Phóng viên TTXVN tại Tel Aviv cho biết trước cuộc gặp với Thủ tướng Anh tại số 10 phố Downing, Thủ tướng Israel Netanyahu đã đề cập tới việc trừng phạt Iran khi hoan nghênh các lệnh trừng phạt mới của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Iran và cho rằng các quốc gia "có trách nhiệm" khác nên có hành động tương tự.

Tuy nhiên, trong cuộc gặp với nhà lãnh đạo Israel, Thủ tướng Anh khẳng định rõ London ủng hộ duy trì thỏa thuận hạt nhân của Iran mặc dù cần phải theo dõi chặt chẽ thái độ của nước này.

Theo thỏa thuận đạt được hồi tháng 7/2015, Iran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây và quốc tế.


Theo đó, Iran sẽ phải giảm 2/3 số máy li tâm được sử dụng để làm giàu urani (uranium), loại bỏ khả năng Tehran sử dụng nguyên liệu này để chế tạo bom nguyên tử.

Cụ thể, trong vòng 15 năm, Iran chỉ được sở hữu không quá 300 kg urani làm giàu tối đa 3,67%. Nhà máy hạt nhân ở Arak cũng chỉ được sử dụng vào mục đích hòa bình.

Mọi nhiên liệu hạt nhân phải được đưa ra khỏi Iran trong khi nhà máy này còn hoạt động. Đổi lại, cộng đồng quốc tế sẽ dỡ bỏ hầu hết các biện pháp trừng phạt Iran từ năm 2006 trong lĩnh vực thương mại, công nghệ, tài chính và năng lượng.

Đây là cuộc tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa hai nhà lãnh Anh - Israel và một nội dung chính trong cuộc hội đàm là thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước, trong bối cảnh London đang tìm cách mở rộng các mối quan hệ thương mại bên ngoài sau quyết định rời Liên minh châu Âu (EU).

TTXVN/Tin Tức
Iran tung cảnh báo 'lạnh người' với căn cứ hải quân Mỹ ở Bahrain
Iran tung cảnh báo 'lạnh người' với căn cứ hải quân Mỹ ở Bahrain

Một quan chức cấp cao trong Quốc hội Iran cảnh báo rằng nếu Iran bị tấn công, nước này sẽ tấn công trả đũa nhằm vào căn cứ hải quân Mỹ ở Bahrain cũng như Israel.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN