IRNA dẫn lời ông Zamaninia nêu rõ: "Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực của đất nước và đang bán dầu trên thị trường xám". Ông Zamaninia không cho biết cụ thể về thị trường này. Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, giới quan sát cho rằng Iran bán dầu với mức chiết khấu cao và thường thông qua các công ty tư nhân trong thời gian hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) từ năm 2006 - 2016.
Ông Zamaninia nhấn mạnh chắc chắn Iran sẽ không bán dầu ở mức 2,5 triệu thùng/ngày như quy định trong thỏa thuận hạt nhân, song ông không cho con số hiện nay. Ông cũng khẳng định: "Đây không phải là buôn lậu. Đây là chống lại các biện pháp mà chúng tôi cho là không công bằng và cũng không hợp pháp".
Tháng 5/2018, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) và tháng 11 cùng năm tái áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào xuất khẩu dầu mỏ của Iran.
Tuy nhiên, Washington áp dụng miễn trừ, theo đó 8 nước và vùng lãnh thổ tiếp tục được mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế mà không phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.
Ngày 2/5 vừa qua, Mỹ chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên. Theo Nhà Trắng, quyết định này nhằm đưa xuất khẩu dầu của Iran về mức 0. Về phần mình, Iran tuyên bố sẽ tiếp tục xuất khẩu dầu bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.