Trên tài khoản mạng xã hội X (tên gọi mới của Twitter), Ngoại trưởng Amir-Abdollahian đã giải thích cặn kẽ những đề xuất được ông đưa ra tại hội nghị trực tuyến của các Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) hôm 31/7 vừa qua thảo luận về những hành vi báng bổ kinh Koran xảy ra gần đây ở Thụy Điển và Đan Mạch. Nhà ngoại giao Iran nêu rõ ông đã kiến nghị OIC cử một phái đoàn tới hai quốc gia Bắc Âu này để thảo luận vấn đề nói trên và yêu cầu đưa ra hình phạt nghiêm khắc nhất đối với những đối tượng báng bổ kinh Koran.
Ngoại trưởng Amir-Abdollahian cho biết thêm các quốc gia Hồi giáo cũng có thể thực hiện các biện pháp như cấm nhập khẩu các sản phẩm của Thụy Điển và Đan Mạch, nếu tình trạng báng bổ Kinh Koran tiếp tục tái diễn ở Thụy Điển và Đan Mạch.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Saudi Arabia Faisal bin Farhan Al Saud đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen, trong đó ông Farhan Al Saud đã tái khẳng định rằng Riyadh phản đối mọi hành vi báng bổ kinh Koran. Nhà ngoại giao Saudi Arabia cũng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp để ngăn chặn mọi hành động cực đoan báng bổ kinh Koran và xúc phạm người Hồi giáo trên khắp thế giới.
Về phần mình, Ngoại trưởng Đan Mạch Rasmussen đã lên án hành vi đốt các bản sao kinh Koran, đồng thời bày tỏ lấy làm tiếc về những hành động như vậy.
Trước đó, ngày 28/7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã triệu đại biện lâm thời Đại sứ quán Đan Mạch tại Riyadh để trao công hàm phản đối hành vi đốt kinh Koran ở thủ đô Copenhagen. Theo bộ này, nội dung công hàm yêu cầu chấm dứt các hành vi báng bổ giáo lý của tất cả các tôn giáo, luật pháp và các chuẩn mực quốc tế.
Trong những tuần gần đây, ở thủ đô của Đan Mạch và Thụy Điển liên tục xảy ra các vụ đốt hoặc xúc phạm kinh Koran, làm dấy lên làn sóng chỉ trích gay gắt từ cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.
Hiện hai quốc gia Bắc Âu trên đang xem xét sửa đổi quy định để cho phép cơ quan chức năng ngăn chặn những hành vi cực đoan như trên.