Iran chẩn bị khởi động lại hoạt động hạt nhân trong trường hợp JCPOA đổ vỡ

Ngày 6/6, Iran tuyên bố nước này đang tiến hành "các công việc chuẩn bị" để khởi động lại các hoạt động hạt nhân trong trường hợp thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đổ vỡ.

Đại diện thường trực Iran tại Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), ông Reza Najafi. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với báo giới bên lề cuộc họp của ban lãnh đạo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại Vienna (Áo), Đại diện thường trực Iran tại IAEA, ông Reza Najafi nêu rõ trong trường hợp JCPOA đổ vỡ, Iran có thể tái khởi động các hoạt động hạt nhân mà không có sự hạn chế nào. Công việc chuẩn bị bao gồm các bước nhằm tăng năng lực làm giàu urani thông qua việc sản xuất máy ly tâm mới, như tuyên bố trước đó của Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) Ali Akbar Salehi.

Theo ông Najafi, Iran cũng thông báo cho IAEA kế hoạch khởi động lại cơ sở chuyển đổi urani tại thành phố Isfahan nhằm sản xuất nguyên liệu UF6 cho các máy ly tâm. IAEA ngày 5/6 xác nhận đã nhận được thư của Iran về lịch trình bắt đầu sản xuất UF6. Tuy nhiên, ông Najafi nhấn mạnh rằng các biện pháp trên không có nghĩa là Iran sẽ bắt đầu những hoạt động đi ngược lại JCPOA. Ông cho rằng mặc dù các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục ở cấp chuyên gia, song đây không thể là tiến trình kéo dài mãi và cần sớm kết thúc.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về kêu gọi của IAEA liên quan việc Iran hợp tác kịp thời và chủ động, ông Najafi cho hay Iran coi đây là sự khuyến khích Tehran duy trì các lời mời cơ quan này đến thanh sát hạt nhân. Tuy nhiên, ông cảnh báo Iran sẽ không tự nguyện thực hiện các biện pháp này nếu không nhận được lợi ích từ thỏa thuận JCPOA.

JCPOA quy định việc dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt chống Iran để đổi lấy việc Tehran hạn chế chương trình hạt nhân. Theo thỏa thuận này, Iran có quyền xây dựng và thử nghiệm một số máy ly tâm phục vụ các mục đích dân sự, mặc dù hạn chế về chủng loại và số lượng máy trong 10 năm đầu thực hiện thỏa thuận. Ngoài ra, Tehran chỉ có thể làm giàu urani ở mức 3,67%.

Tuy nhiên, JCPOA có nguy cơ đổ vỡ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/5 vừa qua tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận. Nhà Trắng cũng quyết định tái khởi động các biện pháp trừng phạt đã được dỡ bỏ trước đó đối với Iran. Hiện các nước châu Âu tham gia ký kết JCPOA vẫn nỗ lực cứu vãn thỏa thuận này vì coi đây là cơ hội tốt nhất để ngăn chặn Tehran phát triển bom nguyên tử. Tuy nhiên, các nước châu Âu cảnh báo rằng nếu Iran không tuân thủ các điều khoản trong JCPOA, họ cũng sẽ buộc phải rút khỏi thỏa thuận và áp đặt các trừng phạt nhằm vào Iran giống như hành động của Mỹ.

Cũng liên quan tới thỏa thuận hạt nhân Iran, người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May thông báo, trong ngày 6/6, bà May sẽ cùng với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thảo luận về cách thức ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Người phát ngôn khẳng định giống như Pháp và Đức, Anh cũng tin rằng thỏa thuận hạt nhân với Iran là biện pháp tốt nhất để ngăn điều này xảy ra.

TTXVN/Báo Tin tức
IAEA: Iran vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân
IAEA: Iran vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân

Ngày 4/6, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano tuyên bố Iran vẫn tuân thủ đầy đủ các cam kết của mình trong thỏa thuận hạt nhân ngay cả sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN