Inđônêxia - Điểm đến của đầu tư cảng quốc tế

Với vị trí địa chiến lược ở bắc Thái Bình Dương tới các tuyến đường vận tải biển ở Ấn Độ Dương, Inđônêxia là điểm đến rất tiềm năng và hấp dẫn cho đầu tư cảng, nhất là các cảng vận tải hàng hóa.

Học giả Ronald Apriliyanto Halim thuộc Đại học Công nghệ Delf của Hà Lan cho rằng, Inđônêxia, đặc biệt là với một số đảo thuộc quần đảo Sumatra ở vùng eo biển Malacca, là một vị trí chiến lược cho các tàu thuyền đến và đi từ các nước nằm ở vùng biển phía bắc Thái Bình Dương như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Một góc Batu Ampar - địa điểm thuận lợi để phát triển cảng biển của Inđônêxia. Ảnh: Internet


Các tuyến vận tải biển này đã được phát triển qua hàng ngàn năm liên kết các nước Đông Á và Đông Nam Á với những nước nằm trong vùng biển Ấn Độ Dương tới Trung Đông, châu Phi, châu Âu và châu Mỹ.

Eo biển Malacca tuy hẹp, nhưng là một tuyến đường vận chuyển hiệu quả hai chiều cho các tàu thuyền ở phía đông và phía tây qua lại. Eo biển này thuộc vùng lãnh thổ của ba nước Inđônêxia, Malaixia và Xinhgapo.

Cho đến nay, Xinhgapo đã thành công trong quản lý các tuyến đường vận chuyển tiềm năng ở eo biển Malacca. Tuy nhiên, với công suất hiện tại 24.700 TEU (1 TEU tương đương với 1 container vận chuyển hàng hóa kích thước 6,1 x 2,4 m), cảng Xinhgapo sẽ phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng vào năm 2017, do diện tích hạn chế của nước này khiến không gian tại cảng sẽ không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển của vận tải biển.

Ước tính, đến năm 2030, lượng hàng hóa vận chuyển qua eo biển Malacca sẽ lên tới 90 triệu TEU, và đây là cơ hội lớn cho Inđônêxia, bao gồm cả chính phủ và các nhà đầu tư, phát triển cảng để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Địa điểm thuận lợi để Inđônêxia phát triển cảng biển dọc eo biển Malacca là Batu Ampar ở đảo Batam, tỉnh đảo Riau, cách Xinhgapo 18 km về phía nam. Xinhgapo có diện tích rất nhỏ với 710 km2, trong khi chỉ riêng đảo Batam đã có diện tích 715 km2, trong tổng diện tích 1.919.440 km2 của Inđônêxia, lớn thứ 16 thế giới. Cảng Batu Ampar, hiện phục vụ cho một lượng hàng hóa xuất nhập khẩu 5,89 tỷ USD của 611 công ty nước ngoài, mới chỉ có năng lực vận chuyển 70.000 TEU, trong khi nhu cầu thực tế năm 2005 đã là 200.000 TEU.

Kế hoạch nâng cấp và mở rộng năng lực vận chuyển của cảng Batu Ampar lên 900.000 TEU với kho chứa 2 triệu TEU, đòi hỏi chi phí tới 105 triệu USD, và đây chính là cơ hội cho các nhà đầu tư. Hiện công ty nhà nước Pelabuhan Indonesia (Pelindo) II đang có kế hoạch thiết lập quan hệ đối tác với công ty vận tải biển Compagnie Maritime D`affrtement-Compagnie Generale Maritime (CMA-CGM) của Pháp để thực hiện dự án nói trên. Ông Ronald Apriliyanto Halim cho rằng việc nâng cấp cảng Batu Ampar có thể đáp ứng nhu cầu thị trường hàng hóa thế giới đang tăng trưởng nhanh chóng trong những năm tới, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh chiến lược với cảng Xinhgapo, khai thác tiềm năng của các tuyến vận tải qua eo biển Malacca. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng với sự hợp tác liên quan tới bên nước ngoài, Inđônêxia luôn phải giữ lại quyền kiểm soát sở hữu Batu Ampar. Việc phát triển Batu Ampar sẽ là mô hình tốt cho Inđônêxia phát triển và tăng trưởng bền vững các cảng khác của mình.

Việt Tú(P/v TTXVN tại Inđônêxia)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN