Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã đưa ra thông báo trên, cho biết ông sẽ là người tiêm mũi đầu tiên để người dân cảm thấy an toàn về chất lượng của vaccine.
Trong tuyên bố của mình, Tổng thống Widodo nêu rõ: "Sau khi tiếp nhận nhiều kiến nghị của người dân và sau khi tính toán khả năng tài chính của nhà nước, tôi có thể nói rằng các vaccine phòng COVID-19 sẽ được tiêm miễn phí cho người dân".
Giữa những lo ngại về tính an toàn của vaccine, Tổng thống Widodo cho biết ông sẽ là người được tiêm đầu tiên để công chúng có thể an tâm và tin tưởng về vaccine phòng căn bệnh hô hấp nguy hiểm này.
Đầu tháng này, Indonesia đã nhận được 1,2 triệu liều vaccine do Công ty Sinovac Trung Quốc sản xuất, song vẫn đang chờ Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm nước này cấp phép sử dụng khẩn cấp. Dự kiến vào tháng 1/2021 sẽ có thêm 1,8 triệu liều vaccine được bàn giao.
Chính phủ Indonesia trước đó cho biết sẽ ưu tiên tiêm phòng cho các nhân viên y tế ở Java và Bali cùng những người trong độ tuổi 18 - 56 tuổi được coi là có nguy cơ lây nhiễm cao nhất do tính chất di chuyển nhiều.
10 tháng sau khi chính thức ghi nhận các ca mắc COVID-19 đầu tiên, Indonesia đã trở thành quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất ở Đông Nam Á với trên 629.000 ca mắc và 19.000 ca tử vong.
Ngày 12/12, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia, Giám đốc điều hành Ủy ban Xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC PEN) Erick Thohir cho biết nước này đặt mục tiêu tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho khoảng 75 triệu người trong vòng 8 - 9 tháng tới.
Trước đó, Chính phủ Indonesia đã quy định 6 loại vaccine COVID-19 có thể được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng trong nước. Đó là vaccine của các hãng Bio Farma, Astra Zeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer Inc/BioNtech và Sinovac Biotech.
* Tương tự Indonesia, Tunisia cũng đã thông báo vaccine phòng COVID-19 sẽ cung cấp được miễn phí cho tất cả mọi công dân và việc tiêm chủng dựa trên tinh thần tự nguyện.
Phóng viên TTXVN tại Bắc Phi dẫn thông cáo của Tổng Giám đốc Viện Pasteur ở Tunisia Hechmi Louzir cho biết những người cần tiêm vaccine sẽ được xếp theo thứ tự ưu tiên.
Trước đó, người đứng đầu Viện Pasteur khẳng định rằng Tunisia đã đảm bảo mua 2 triệu liều vaccine phòng COVID-19 của hãng dược Pfizer (Mỹ). Theo quan chức này, Bộ Y tế đã ký thỏa thuận mua số lượng trên với đơn giá 7 USD/liều.
Tính tới ngày 16/12, Tunisia đã ghi nhận 113.241 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.956 ca tử vong. Hiện Tunisia xếp thứ 5 trong Top 10 quốc gia có số ca mắc cao nhất châu Phi, sau Nam Phi, Maroc, Ai Cập và Ethiopia.
* Cùng ngày, quyền Giám đốc Y tế Australia Paul Kelly cảnh báo công dân Australia ở nước ngoài đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19 sẽ vẫn phải cách ly khi về nước vì một số loại vaccine có thể không ngăn được nguy cơ truyền bệnh cho người khác.
Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Giáo sư Kelly khẳng định cho đến hết tháng 1/2021 hoặc muộn hơn, sẽ không có quyết định nào được đưa ra cho phép những người Australia đã tiêm phòng ở nước ngoài nhập cảnh về nước mà không phải trải qua thời gian cách ly tại khách sạn.
Mặc dù các loại vaccine của AstraZeneca (Anh), Pfizer (Mỹ) và Moderna (Mỹ), trong đó vaccine của Pfizer vừa được chấp thuận sử dụng ở Canada, Mỹ và Anh, đã được chứng minh có hiệu quả cao trong việc bảo vệ người được tiêm khỏi nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19, song vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh việc lây truyền.
Chính phủ Australia mới đây cho biết hiện vẫn còn trên 30.000 người Australia ở nước ngoài đang muốn trở về nước, trong đó có gần 5.000 người ở Anh.