Ngày 26/2, phát biểu tại Phủ Tổng thống ở Jakarta, người đứng đầu Bapanas, Arief Prasetyo Adi cho biết Tổng thống Jokowi yêu cầu phải có tối thiểu 1,2 triệu tấn gạo dự trữ tại Bulog, trong khi thực tế, ông muốn con số đó là 3 triệu tấn.
Theo ông, Chính phủ Indonesia đã có hạn ngạch nhập khẩu 2 triệu tấn gạo cho kho dự trữ, tuy nhiên, thực tế đến nay việc nhập khẩu gạo mới đạt 500.000 tấn.
Trong khi đó, vụ thu hoạch chính trong nước vẫn chưa tới, vì vậy, việc nhập khẩu gạo cần được thực hiện ngay để bù vào số lượng gạo đang thiếu hụt. Ông Adi thừa nhận rằng giá gạo hiện tại vẫn ở mức cao, hơn 16.000 Rp (1,02 USD)/kg. Điều này là do giá ngũ cốc khô thu hoạch (GKP) ở cấp độ nông dân vẫn nằm trong khoảng 8.000-8.600 Rp/kg ở một số khu vực.
Ông Adi đặt mục tiêu giá lúa chỉ điều chỉnh khi thu hoạch đạt 3,5 triệu tấn. Tuy nhiên, phải mất khoảng 3 tuần sau khi thu hoạch, gạo mới được phân phối tới cộng đồng. Quan chức này cho rằng nếu vụ thu hoạch trên 3,5 triệu tấn, thường phải mất từ 2 tuần đến 3 tuần để chế biến thành gạo do qui trình thu hoạch - sấy khô – xay xát.
Chính phủ cũng giao cho Bulog bán gạo với giá bán lẻ tối đa (HET) cho người dân thông qua chương trình bình ổn giá và cung ứng lương thực (SPHP) 250.000 tấn. Ngoài ra, các nhà xay xát ở một số khu vực đã được khuyến khích phân phối rộng rãi loại gạo đóng gói 5 kg cho tất cả các nhà bán lẻ và thị trường truyền thống.