Người đứng đầu BPPT, ông Hammam Riza cho biết thiết bị nói trên có tên InaTews, bao gồm các Ina Buoy (phao nổi), Ina CBT (hệ thống cáp gắn cảm biến sóng thần), Ina CAT (thiết bị đo âm thanh ven bờ) và Ina TOC (trung tâm quan sát sóng thần).
Được Indonesia phát triển từ năm 2019, InaTews hoạt động bằng cách sử dụng các cảm biến sóng thần có thể truyền dữ liệu liên tục tới Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia và Cơ quan quản lý thiên tai Quốc gia Indonesia.
Dự kiến, Ina Buoy sẽ được lắp đặt tại 13 vị trí, Ina CBT tại 7 vị trí, Ina CAT tại 3 vị trí và một hệ thống AI/KA. Theo ông Hammam, việc lắp đặt InaTews cho thấy Indonesia đang dần tiến tới kỷ nguyên độc lập về công nghệ cảnh báo sóng thần.
Trước đó hồi đầu năm, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Giảm thiểu Rủi ro Thiên tai thuộc BPPT, ông Muhammad Ilyas cho hay hiện không có thiết bị cảnh báo sóng thần nào đang hoạt động tại Indonesia. Tất cả các thiết bị được lắp đặt trước đó đều đã bị hư hỏng hoặc bị mất.
Theo ông Ilyas, trước đó BPPT đã lắp đặt 5 phao nổi ở phía Nam đảo Bali, phía Nam thành phố Malang thuộc tỉnh Đông Java, ngoài khơi huyện Cilacap thuộc tỉnh Trung Java, eo biển Sunda và xung quanh núi lửa Anak Krakatau. Ông Ilyas cũng thừa nhận rằng Indonesia chưa lắp phao ở Ấn Độ Dương phía Nam đảo Java - địa điểm có nguy cơ bị động đất và sóng thần mạnh.