Tháng 7 vừa qua, Thống đốc tỉnh tỉnh Đông Nusa Tenggara, ông Viktor B. Laiskodat công bố kế hoạch đóng cửa đảo Komodo để hoạt động du lịch không ảnh hưởng đến quá trình giao phối và ấp nở của rồng Komodo, cũng như để giảm tình trạng săn bắn trộm những loài thú là con mồi của rồng Komodo như hươu nai, trâu, lợn rừng trên đảo này.
Theo kế hoạch, hòn đảo sẽ mở cửa trở lại cho khách tham quan sau khoảng một năm đóng cửa. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gây tranh cãi trong các nhà hoạt động môi trường và ngành du lịch, cũng như trong cộng đồng cư dân dựa vào du lịch để kiếm sống.
Quyết định hủy kế hoạch đóng cửa đảo Komodo được đưa ra trong một cuộc họp ngày 30/9 có sự tham dự của Bộ trưởng điều phối các vấn đề biển của Indonesia Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Môi trường và Lâm nghiệp Siti Nurbaya Bakar, Bộ trưởng Du lịch Arief Yahya cùng Thống đốc Viktor B. Laiskodat. Theo Bộ trưởng Siti Nurbaya Bakar, theo dõi từ năm 2002 đến 2019 cho thấy số lượng rồng Komodo, loài thằn lằn tự nhiên lớn nhất còn tồn tại, trên đảo Komodo tương đối ổn định, vì vậy không cần đóng cửa đảo này.
Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Indonesia cho biết chính phủ trung ương và chính quyền tỉnh Đông Nusa Tenggara sẽ phối hợp để cải tạo các điểm du lịch, nâng cao đào tạo kiểm lâm và cung cấp thiết bị tốt hơn cho lực lượng tuần tra, cũng như thành lập một trung tâm nghiên cứu về rồng Komodo.
Trong năm 2018, có hơn 176.000 lượt du khách đến thăm Vườn quốc gia Komodo của Indonesia, trong đó nhiều du khách đến chỉ để xem những con rồng chỉ có trong tự nhiên ở miền Đông Indonesia. Theo số liệu của Chính phủ Indonesia, hiện có tổng cộng 2.897 con rồng Komodo tại vườn quốc gia gồm 3 đảo Komodo, Rinca và Gili Motang.