Theo báo cáo “Ô nhiễm và sức khỏe” vừa được GAHP công bố, Indonesia ghi nhận 232.974 trường hợp tử vong mỗi năm do ô nhiễm không khí, nguồn nước, đất và các dạng ô nhiễm khác.
Cụ thể, có 123.753 ca tử vong mỗi năm tại “quốc gia vạn đảo” do ô nhiễm không khí, 60.040 ca do ô nhiễm nguồn nước, 16.331 ca do ô nhiễm nghề nghiệp và 32.850 ca do ô nhiễm chì do tiếp xúc với khí thải từ xăng pha chì.
Tuy nhiên, số lượng người tử vong do ô nhiễm ở Indonesia vẫn thấp hơn nhiều so với hai quốc gia đứng đầu bảng là Ấn Độ và Trung Quốc (hơn 1,8 triệu ca), và thấp hơn một chút so với nước đứng thứ ba là Nigeria.
Các quốc gia xếp dưới Indonesia trong Top 10 bao gồm Pakistan, Bangladesh và Ethiopia. Xét về tỷ lệ tử vong, Indonesia đứng thứ 75 trên thế giới với 88 ca tử vong do ô nhiễm trên 100.000 dân.
Báo cáo trên sử dụng dữ liệu của Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHNME) về tác hại ô nhiễm không khí, nước, chì và nghề nghiệp. Báo cáo của GAHP cho biết ô nhiễm là nguyên nhân lớn nhất gây tử vong và bệnh tật trên thế giới. Tỷ lệ tử vong vì ô nhiễm chiếm 15% tổng số ca tử vong trên toàn cầu, tương đương hơn 8,3 triệu người.
Theo báo cáo trên, ô nhiễm gây tử vong nhiều gấp 3 lần so với HIV/AIDS, bệnh lao và bệnh sốt rét cộng lại, và cao hơn 15 lần số người thiệt mạng hàng năm do chiến tranh và các hình thức bạo lực khác. Các dạng ô nhiễm hiện đại do công nghiệp hóa và đô thị hóa khiến 5,3 triệu người trên thế giới tử vong mỗi năm. Trong đó, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong cao nhất (40%), tương đương với 3,4 trường hợp tử vong mỗi năm.