Điều phối viên DFW Indonesia Moh Abdi Suhufan ngày 20/6 cho biết, trong 6 tháng qua, có 42 vụ tai nạn liên quan đến tàu đánh cá tại vùng biển Indonesia. Trong đó, 83 người đã mất tích, 14 người thiệt mạng, và 42 người được cứu sống. Trung bình, mỗi tháng có 7 vụ tai nạn, sự cố đã gây thiệt hại cho ngư dân. Phần lớn các vụ tai nạn này đều liên quan đến các tàu đánh cá có kích thước dưới 10 GT (tổng trọng tải).
Theo ông Abdi, các bộ kỹ thuật thuộc Bộ Biển và Nghề cá (KKP) và Bộ Giao thông Vận tải Indonesia cần điều chỉnh chiến lược bảo vệ ngư dân trên các tàu đánh cá nhỏ để giảm thiểu thiệt hại về người mưu sinh bằng nghề đánh bắt cá. Ông cho rằng chương trình bảo hiểm ngư dân do KKP chủ trì cần tiếp cận ngư dân vùng sâu, vùng xa và cần đổi mới dịch vụ vì đến nay rất khó tiếp cận. Số vụ tai nạn tàu đánh cá gặp phải cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của ngư dân khi họ đã không có sự tự bảo vệ từ các phương tiện an toàn tối thiểu.
Trên thực tế, chương trình bảo hiểm cho ngư dân từ trước đến nay vẫn còn nhiều thủ tục rườm rà nên ngư dân khó tiếp cận. Nhiều ngư dân và thuyền viên không biết về các chương trình và chế độ bảo hiểm lao động cho ngư dân và thuyền viên với tư cách là một nhóm lao động không hưởng lương.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Subhan Usman của DFW Indonesia yêu cầu KKP tăng cường sự chú ý và can thiệp đối với các nhóm đánh cá nhỏ và truyền thống. KKP hiện đang tập trung vào phát triển ngành công nghiệp thủy sản quy mô lớn vì đang theo đuổi mục tiêu doanh thu Nhà nước không thuế. Trên thực tế, nghề cá quy mô nhỏ là phần lớn hoạt động kinh doanh thủy sản hiện tại của Indonesia, cụ thể là 99,16% cơ cấu đội tàu cá của Indonesia là tàu có trọng lượng dưới 30 GT.