Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, 53% học sinh 10 tuổi (tương đương khoảng 13 triệu học sinh tiểu học) của Indonesia không thể đọc hiểu một văn bản đơn giản.
Đại dịch COVID-19 được cho là đã làm trầm trọng thêm vấn đề này và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Nghiên cứu và Công nghệ đã có nhiều nỗ lực nhằm giảm thiểu tác động bất lợi của COVID-19 đối với giáo dục tại Indonesia.
Về cơ bản, Indonesia cũng đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng giảng dạy xuất phát từ việc thiếu động lực và năng lực cũng như sự nóng vội trong các vấn đề mang tính hệ thống. Một nghiên cứu của Viện nghiên cứu SMERU cho thấy chỉ khoảng 12% giáo viên tiểu học cảm thấy nắm vững nội dung trong việc dạy đọc, viết.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng giáo viên là do cơ hội phát triển chuyên môn còn hạn chế và hầu hết họ không có động lực tiếp tục học tập và nâng cao năng lực. Ngoài ra, ưu đãi dành cho giáo viên chỉ giới hạn ở những người đã được cấp chứng chỉ hoặc ở những vùng sâu vùng xa.
Từ năm 2020, Indonesia đã triển khai 26 mục trong chương trình “Học tập độc lập” nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó có 11 mục liên quan đến các trường tiểu học. Cải thiện chất lượng giảng dạy là một biện pháp mà Indonesia đang thúc đẩy triển khai để giải quyết cuộc “khủng hoảng học tập” với mục tiêu trước mắt là nâng cao năng lực của 4 triệu giáo viên. Tuy nhiên, ước tính đến cuối năm nay, các chương trình hỗ trợ mới chỉ có thể tiếp cận được khoảng 5% trong số 4 triệu giáo viên của Indonesia.