Theo Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ thảm họa địa chất, núi lửa Merapi đã phun trào ngày 8/12, gây ra cột tro bụi dày dặc và cao tới 3.500 mét. Đám mây tro bụi đang di chuyển về phía Tây Nam núi lửa và người dân được khuyến cáo tránh xa khu vực nguy hiểm.
Trong khi đó, người phát ngôn của Cơ quan quản lý thiên tai quốc gia Abdul Muhari cho biết tro núi lửa đã theo mưa lớn trút xuống các ngôi làng xung quanh Merapi, đặc biệt là những ngôi làng thuộc quận Boyolali và Magelang. Nhà chức trách đã khuyến cáo người dân tránh xa khu vực nguy hiểm - được tính trong bán kính khoảng 7km tính từ miệng núi lửa.
Trong số các quốc gia nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia là nước đứng đầu về sở hữu số lượng núi lửa và hiện có khoảng 130 - 140 ngọn núi lửa đang hoạt động, nhiều thứ ba thế giới sau Mỹ và Nga. Khoảng 8,6 triệu người Indonesia sống trong phạm vi 10km từ núi lửa.
Núi lửa Merapi cao 2.968 mét, thuộc địa phận các tỉnh Yogyakarta và Trung Java. Merapi được xếp vào nhóm núi lửa có mức độ nguy hiểm cao thứ ba tại Indonesia hiện nay, đồng thời là một trong những ngọn núi lửa vẫn được mô tả là khó lường và nguy hiểm nhất thế giới. Rất nhiều những vụ phun trào bất ngờ của núi Merapi đã gây thiệt hại lớn cho người dân Indonesia. Năm 1930 ghi nhận đợt phun trào mạnh nhất từ trước đến nay của Merapi, khiến khoảng 10 ngôi làng bị thiêu rụi và 1.300 người thiệt mạng. Một vụ khác xảy ra năm 1994 cướp đi sinh mạng của khoảng 60 người.
Chỉ riêng trong năm 2023, người Indonesia đã phải nhiều lần chứng kiến núi lửa Merapi “thức giấc”. Tháng 3/2023, núi lửa Merapi phun trào đã tạo ra khối mây nóng bốc cao 100m lên không trung và mây tro nóng di chuyển 7km xuống sườn dốc của ngọn núi. Vụ phun trào cũng tạo ra dòng dung nham dài 1,5km. Ngày 23/5, núi lửa Merapi đã phun trào những dòng nham thạch chảy dài hơn 2km từ miệng núi. Và mới đây nhất là vụ việc 22 người thiệt mạng (con số tính đến ngày 5/12/2023) do Merapi phun trào dữ dội. Theo trạm quan sát núi lửa Merapi, từ nửa đêm đến 8h sáng 5/12, núi lửa đã phun trào 5 lần. Đến giữa ngày 5/12, núi lửa vẫn phun tro bụi, cản trở hoạt động của hơn 200 nhân viên cứu hộ. Trước đó, ngày 3/12, núi lửa Merapi phun cột khói bụi cao tới 3.000m - cao hơn cả chính độ cao của núi lửa này, khiến những người leo núi bị mắc kẹt và bị thương.