Trong tuyên bố, IMF nêu rõ chương trình cho vay này kéo dài 3 năm, đòi hỏi Pakistan phải có chính sách và cải cách hợp lý để tiếp tục những nỗ lực hiện nay nhằm củng cố nền kinh tế, tạo điều kiện cho tăng trưởng mạnh mẽ, toàn diện và bền vững hơn. IMF khẳng định Pakistan "đã thực hiện các bước quan trọng để khôi phục ổn định kinh tế thông qua các cải cách nhất quán".
Tuy nhiên, những điểm yếu và thách thức về cấu trúc của Pakistan vẫn còn rất lớn. Ngoài ra, tổ chức tài chính có trụ sở tại Mỹ này cũng cảnh báo môi trường kinh doanh khó khăn, quản lý yếu kém là nguyên nhân khiến đầu tư vào nước này đang ở mức rất thấp so với các quốc gia khác.
Năm ngoái, Pakistan đã đứng trên bờ vực vỡ nợ, khi nền kinh tế suy yếu trong bối cảnh khủng hoảng chính trị, hệ quả từ lũ lụt thảm khốc vào năm 2022 và nhiều thập kỷ quản lý yếu kém, cũng như kinh tế toàn cầu đi xuống. Nhờ sự hỗ trợ của các nước và gói cứu trợ của IMF, Pakistan đã tránh được viễn cảnh xấu nhất, nhưng tình hình tài chính vẫn căng thẳng với lạm phát và nợ công cao.
Hồi tháng 7, quốc gia Nam Á này đã đồng ý tiến hành cải cách sâu rộng để đáp ứng điều kiện từ chương trình cho vay của IMF, trong đó có tăng thuế. Phát biểu khi đó, Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nhấn mạnh "chương trình này nên được coi là chương trình cuối cùng".