IITFC cấp khoản vay 6 tỷ USD giúp Ai Cập mua lúa mì và các sản phẩm dầu mỏ

Truyền thông Ai Cập ngày 23/11 đưa tin Hạ viện Ai Cập vừa thông qua một thỏa thuận tín dụng trị giá 6 tỷ USD với Tập đoàn Tài chính Thương mại Hồi giáo Quốc tế (IITFC), nhằm giúp nước này đáp ứng nhu cầu về lương thực cơ bản, trong đó có lúa mì, các sản phẩm nhiên liệu và các dẫn xuất dầu mỏ nhập khẩu.

Chú thích ảnh
Tàu chở lúa mì của Ukraine cập cảng Djibouti ngày 30/8/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Theo một báo cáo của Ủy ban Các vấn đề Kinh tế của Hạ viện Ai Cập, thỏa thuận tín dụng trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho Ai Cập nhập khẩu các mặt hàng lương thực cơ bản cần thiết, đặc biệt là lúa mì và các sản phẩm dầu mỏ. Báo cáo cho biết thêm theo thỏa thuận, được ký vào tháng 1/2018, IITFC dự kiến ban đầu sẽ cấp khoản vay 3 tỷ USD cho Ai Cập. Tuy nhiên, thỏa thuận đã được sửa đổi vào tháng 6/2022 để nâng khoản vay lên 6 tỷ USD. Báo cáo cho hay khoản vay đã được nâng lên do tác động tiêu cực của cuộc xung đột Nga-Ukraine đã đẩy giá lúa mì, nhiên liệu và các sản phẩm dầu mỏ quốc tế tăng vọt.
 
Ai Cập có mối quan hệ lâu dài và thành công với IITFC kể từ năm 2008. IITFC luôn sẵn sàng cung cấp hỗ trợ tài chính cần thiết để giúp Ai Cập củng cố các điều kiện kinh tế trong nước. Nghị sĩ Hossam Awad, Chủ tịch Ủy ban Năng lượng của Hạ viện Ai Cập, nói rằng khoản vay 6 tỷ USD xuất hiện kịp thời nhằm giúp Ai Cập kiềm chế sự gia tăng mạnh mẽ của giá cả các mặt hàng lương thực trên thị trường quốc tế, đặc biệt là lúa mì, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
 
Là quốc gia nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, Ai Cập từng phụ thuộc vào 80% lượng lúa mì nhập khẩu từ Nga và Ukraine. Gần đây, quốc gia Bắc Phi này đã nỗ lực đa dạng hóa các nguồn cung lúa mì nhập khẩu, đồng thời thực hiện các chính sách khuyến khích nông dân trong nước bán lúa mì cho nhà nước. Với mức tiêu thụ lúa mì trung bình 18 triệu tấn mỗi năm, Ai Cập đã gia tăng nguồn cung trong nước thông qua chương trình thu mua lúa mì từ nông dân. Chính phủ Ai Cập thông báo nguồn cung ứng lúa mì từ nông dân trong nước năm 2022 đã đảm bảo được 4,2 triệu tấn, tăng từ 3,5 tấn trong năm 2021.

Nguyễn Trường (P/v TTXVN tại Cairo)
Ai Cập kêu gọi thiết lập cơ chế trao đổi lúa mì và phân bón giữa các nước châu Phi
Ai Cập kêu gọi thiết lập cơ chế trao đổi lúa mì và phân bón giữa các nước châu Phi

Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Mohamed Maait ngày 13/10 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải thiết lập một cơ chế linh hoạt cho hoạt động trao đổi các hàng hóa cơ bản giữa các quốc gia châu Phi, đặc biệt là lúa mì và phân bón, nhằm tối đa hóa năng lực của các nền kinh tế châu Phi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN