Theo truyền thông Ai Cập, ông Maait đã đưa ra phát biểu trên tại cuộc họp với các bộ trưởng tài chính châu Phi, với sự tham dự của đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Phi, bên lề các cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) tại Washington (Mỹ). Ông Maait cho rằng việc tăng cường trao đổi thương mại nội khối và nâng cao khả năng cạnh tranh của các nền kinh tế ở châu Phi sẽ đảm bảo sự gắn kết và khả năng phục hồi của các nền kinh tế trong khu vực trước các cuộc khủng hoảng khác nhau.
Bộ trưởng Tài chính Ai Cập nói thêm việc thiết lập một cơ chế cho các chuỗi cung ứng của châu Phi là cần thiết để đưa châu lục trở thành một trung tâm lương thực, cho phép các quốc gia châu Phi xuất khẩu các sản phẩm của mình sang tất cả các nước trên thế giới. Ông Maait cũng nêu bật sự cần thiết phải đạt được an ninh lương thực ở châu Phi, coi đây là một ưu tiên cấp bách của châu lục. Theo ông, điều này đòi hỏi tận dụng tối đa các nguồn tài nguyên sẵn có của châu lục và mở rộng các hoạt động sản xuất nông nghiệp và công nghiệp.
Người đứng đầu Bộ Tài chính Ai Cập cho rằng các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi cuộc xung đột hiện nay ở châu Âu, đồng thời lưu ý hậu quả của nó là rất phức tạp. Ông Maait nói thêm các cuộc khủng hoảng liên tiếp, bắt đầu từ đại dịch COVID-19 đến cuộc khủng hoảng Ukraine, đã gây ra làn sóng lạm phát toàn cầu tồi tệ, dẫn đến sự leo thang giá cả của các mặt hàng cơ bản và nhiên liệu, do gián đoạn chuỗi cung ứng và chi phí tăng vọt. Các quốc gia châu Phi cần phải trao đổi ý tưởng, tầm nhìn và kinh nghiệm để đạt được các giải pháp linh hoạt nhằm đa dạng hóa các nguồn tài chính và thu hút nhiều vốn đầu tư hơn để thúc đẩy sản xuất và đạt các mục tiêu kinh tế và phát triển ở các nước châu Phi.
Ông Maait cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế để giúp các nước đang phát triển, các quốc gia châu Phi và các nền kinh tế mới nổi giảm gánh nặng nợ nần, cũng như cung cấp các cơ hội tài chính thích hợp cho họ.