Binh sĩ Nga tham gia một cuộc tập trận. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Đây là đánh giá từ Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London (Vương quốc Anh).
Hiện tại, lực lượng của Moskva vẫn chậm nhưng chắc chắn tiến lên trên chiến trường, trong khi tương lai của viện trợ quân sự Mỹ dành cho Kiev vẫn chưa rõ ràng dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Các chuyên gia của IISS nhận định rằng, dù Ukraine đã khiến Hạm đội Biển Đen từng hùng mạnh của Nga bị thu hẹp đáng kể không gian hoạt động, nhưng Nga vẫn đang chiếm ưu thế trên chiến trường.
Ông Ben Barry, chuyên gia phân tích chiến tranh trên bộ của IISS, cho biết: "Khi tiêu hao lực lượng trở thành yếu tố quan trọng trên bộ, Nga đang có thế chủ động, trong khi Ukraine phải chiến đấu phòng thủ".
Ông đánh giá nếu không có một lệnh ngừng bắn nào, kịch bản có khả năng xảy ra nhất trong những tháng tới sẽ là tình trạng chiến tranh kéo dài, với tổn thất nặng nề cho cả hai bên.
Ông cũng cho rằng nếu muốn kéo dài cuộc chiến, Nga vẫn có đủ nguồn lực về nhân lực, trang bị và hậu cần để tiếp tục chiến đấu đến hết năm nay.
Mặc dù Tổng thống Trump tuyên bố muốn kết thúc cuộc chiến nhanh nhất có thể, Ukraine vẫn khẳng định họ cần sự hỗ trợ từ cả Mỹ và châu Âu để đảm bảo an ninh.
Về phía Nga, Moskva tuyên bố muốn kiểm soát hoàn toàn bốn vùng lãnh thổ mà nước này tuyên bố sáp nhập, đồng thời yêu cầu Ukraine không được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), điều mà Kiev bác bỏ.
Báo cáo của IISS cũng nhấn mạnh rằng, trong khi Nga dường như vẫn duy trì được quân số, Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, với nhiều đơn vị trên bộ không đủ quân số.
Để bù đắp lực lượng, Bộ Quốc phòng Ukraine đã phát động chiến dịch tuyển quân nhằm thu hút thanh niên từ 18 đến 24 tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự.
Báo cáo của IISS cho biết, Nga đang gặp vấn đề nghiêm trọng về xe tăng và xe bọc thép, khiến thương vong của binh sĩ trên chiến trường ngày càng tăng cao.
Trong năm 2024, Moskva đã mất 1.400 xe tăng, trong khi năng lực sản xuất không đủ để bù đắp tổn thất.
"Quy mô thiệt hại về trang bị trong cuộc xung đột với Ukraine đã buộc Nga phải tận dụng kho dự trữ xe bọc thép từ thời Liên Xô để duy trì lực lượng", báo cáo nêu rõ.
Điều này đồng nghĩa với việc Nga đã phải triển khai một số lượng nhỏ xe bọc thép chở quân từ những năm 1950 và xe tăng từ những năm 1960 ra chiến trường.
Theo ước tính của IISS, tổng số xe tăng chiến đấu chủ lực mà Nga đã mất kể từ khi xung đột bắt đầu lên đến 4.400 chiếc.
Mặc dù vẫn có thể tiếp tục cuộc chiến, nhưng với mức độ tiêu hao trang bị hiện tại, Moskva sẽ ngày càng phụ thuộc vào những vũ khí cũ kỹ từ thời Liên Xô, trong khi Ukraine vẫn đang hy vọng vào sự hỗ trợ từ phương Tây để duy trì khả năng kháng cự và đợi chờ một thỏa thuận ngừng bắn có lợi.